Khi tội lỗi mà chồng hoặc vợ bạn phạm phải khiến bạn vô cùng đau đớn, lòng tự trọng của bạn đòi hỏi phải trừng phạt, phải trả thù. Nhưng nếu trong lòng bạn tình yêu chưa chết hẳn và bạn không muốn mất người bạn đời, thì bạn đừng vội làm theo cảm xúc, bởi có những cách hay hơn.
Sống với lòng độ lượng
Nếu bạn quá bức xúc, muốn giải quyết ngay bằng một cuộc nói chuyện sòng phẳng, cũng không nên nêu vấn đề ngay lúc mình muốn, vì chỉ tăng thêm lòng thù hận. Bạn hãy chờ một thời điểm thuận lợi được đối phương đồng ý để bàn luận một cách ôn hòa. Đó là tạo cơ hội hàn gắn mối quan hệ chứ không phải đập cho nó vỡ hẳn. Khi giận mất khôn, ta có thể nói hoặc làm những điều mà về sau ta phải hối tiếc. Vì thế, hãy chờ đến khi tâm trạng bạn ổn định, để bạn có thể tìm kiếm một giải pháp, thay vì chỉ xả nỗi căm giận của mình. Nếu đối tác cần đợi một vài ngày để cảm xúc lắng xuống, bạn không nên nôn nóng đòi phải nói chuyện ngay. Cũng đừng chấp nhận một lời xin lỗi ngắn gọn để né tránh vấn đề.
Vào cuộc nói chuyện, bạn đừng “tổng kết” những tội lỗi của đối phương, cũng đừng nêu lên một loạt ưu điểm của mình. Làm như thế chỉ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa hai người. Đừng bao giờ ảo tưởng họ sẽ đáp ứng ngay một lô những yêu cầu của bạn. Nó chỉ làm người ta thêm bi quan và chán nản. Tại một thời điểm, bạn chỉ nên đưa ra một chuyện. Mục đích là tìm ra biện pháp khắc phục chuyện đó và làm sao cho mối quan hệ tốt hơn. Hãy cùng nhau chia sẻ những thiếu hụt trong hôn nhân mà có thể trong cuộc sống bận rộn bạn đã không có thời gian nghĩ đến. Làm sao để người này hiểu được nỗi buồn của người kia. Đây cũng là cơ hội để người sai giải thích tại sao họ mắc sai lầm. Nếu bạn thông cảm được và có biện pháp khắc phục thì đó chính là cách hai bạn hướng đến việc giải quyết vấn đề.
Nếu bạn định sống với ai 20, 30, 50 năm, chắc chắn bạn sẽ phải tha thứ không chỉ một lần và chính bạn cũng cần được tha thứ. Thù hận không chỉ làm đau người bạn đời mà còn làm đau chính bạn. Triết gia Corrie Ten Boom từng nói: “Tha thứ là phóng thích cho kẻ tội phạm mà cũng là phóng thích chính mình”. Bạn đừng chỉ nghĩ đến trừng phạt hay làm cho vết thương lở loét hoặc bưng bít lại làm cho nó mưng mủ. Trong thực tế, đôi khi sự tha thứ có sức mạnh hơn bất kỳ hình thức trừng phạt nào.
Không chỉ đàn ông mới cần tha thứ
Nhìn người đàn ông mặt mũi sáng sủa, đeo kính trắng, lái ô tô đến văn phòng tư vấn hôn nhân, ít ai nghĩ anh ta bị vợ “cắm sừng”. Anh đưa chuyên viên tư vấn xem ảnh hai vợ chồng với đứa con chụp cách đây không lâu, đúng là một gia đình lý tưởng. Chồng tên Tường, 42 tuổi, làm phó giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản. Vợ tên Hiền, 36 tuổi, là trưởng phòng kế toán, duyên dáng và xinh đẹp. Nỗi bất hạnh của anh Tường bắt đầu từ khi anh phát hiện vợ có bồ - một chàng trai kém vợ anh sáu tuổi.
Họ quen nhau trong một lần chị đi đường bị va quệt xe máy. Người kia sai nhưng thấy chị nói năng ôn tồn nhỏ nhẹ nên bắt nạt, quát tháo ầm lên đòi bắt đền. Vừa lúc đó Tuấn, một chàng trai trẻ đi qua thấy chuyện vô lý nên bênh vực chị Hiền. Từ đó họ quen nhau, cho nhau số điện thoại và thường xuyên gọi điện, nhắn tin. Trong khi chồng mải vùi đầu vào công việc, ít có những cử chỉ ân cần săn sóc vợ, thì “chú em kết nghĩa” của Hiền luôn rảnh rỗi và rất quan tâm đến chị từ việc lớn đến việc nhỏ. Hiền cảm động nhất là hôm trời mưa to, đường ngập, Tuấn đã đến nhà đưa chị đi làm, chiều lại đến đón về. Lúc đầu họ coi nhau như chị em nhưng dần chuyển sang tình yêu lúc nào không biết.
Tháng vừa rồi, giỗ ông ngoại vào ngày Chủ nhật, từ mấy hôm trước chị Hiền đã lên kế hoạch cùng chồng về quê ăn giỗ, nhưng đến lúc sắp đi thì anh Tường bảo vợ: “Hai mẹ con về thôi, anh phải làm báo cáo để thứ Hai đọc trước hội đồng quản trị, không thể đi được”. Chị giận quá, liền gọi điện cho Tuấn đến lái xe đưa hai mẹ con về quê. Mấy hôm sau, tưởng mọi chuyện đã qua, bỗng anh Tường thấy lạ là sao quãng đường chỉ chưa đầy bốn chục cây số mà hai mẹ con phải ngủ lại dọc đường đến hôm sau mới về? Tường càng hỏi, Hiền trả lời càng trí trá. Đến khi Tường yêu cầu vợ nói rõ địa chỉ nhà nghỉ mà họ đã ngủ qua đêm thì Hiền không thể dối quanh được nữa. Ngay hôm đó, Tường đến nhà nghỉ ấy kiểm tra, bàng hoàng phát hiện họ ngủ chung một phòng chứ không phải hai phòng như Hiền nói. Hiền phải thừa nhận và bất ngờ chuyển sang giọng thách thức ly hôn. Tường nổi giận tát vợ một cái, tuyên bố ngay ngày mai sẽ đưa đơn ra tòa.
Cả đêm hôm ấy anh không ngủ, càng nghĩ càng thương con, sợ ly hôn phải xa đứa con mà anh vô cùng yêu quý. Anh đau đớn không chịu nổi khi nghĩ đến việc nó sẽ sống với người đàn ông xa lạ kia. Lạ lùng là khi cơn ghen càng như thiêu đốt trong lòng, anh càng cảm thấy không thể sống thiếu Hiền. Hình như khi có nguy cơ sắp mất đi một cái gì quý giá thì người ta càng thấy quý nó hơn. Anh nói với chuyên viên tư vấn: “Tôi chỉ cần cô ấy quỳ xuống xin lỗi một câu, tôi sẽ tha hết”. Nhưng, người vợ nói, thà chết cũng không bao giờ làm như vậy và chị tuyên bố ly thân, ngay ngày mai hai mẹ con sẽ dọn đi ở chỗ khác. Chuyên viên tư vấn đặt vấn đề: “Anh thử xem lại bản thân mình có lỗi gì không trong chuyện này”. Tâm sự một lúc, anh thừa nhận là gần đây do công ty làm ăn thua lỗ, nội bộ lãnh đạo lục đục nên không còn tâm trí nào nghĩ đến vợ. Thực ra không phải chị Hiền bản tính trăng hoa mà chỉ vì một phút yếu lòng. Chị nghĩ, không bao giờ chồng tha thứ cho mình nên chấp nhận ly hôn còn hơn chịu nhục suốt đời, dù thâm tâm chị vẫn yêu thương chồng.
Đêm ấy đợi con ngủ, anh Tường ôn tồn bảo vợ: “Em quyết định bỏ bố con anh à?”. Hiền dứt khoát: “Anh muốn làm nhục em nên em thà chết chứ không chịu nhục. Em biết là bỏ em, anh sẽ lấy người khác và sẽ có con khác. Em thì không lấy ai nữa nên chỉ xin anh cho em được nuôi con”. Nói được mấy câu thì giọng đanh thép của chị bỗng chuyển thành nghẹn ngào. Tường nắm tay vợ: “Anh cũng có lỗi, em tha thứ cho anh. Có người vợ như thế này, tại sao phải đi lấy người khác?”. Chị Hiền cũng xin lỗi chồng. Bao nhiêu uất ức giận hờn trong khoảnh khắc tan biến hết. Trong khi đó, nếu vợ chồng anh Tường đều khư khư trả đũa - trừng phạt, thì đã có một gia đình tan đàn sẻ nghé.
Trịnh Trung Hòa