-Putin theo đó cũng thay đổi: từ một lãnh đạo có năng lực, sắc sảo thành một người khác.

Ukraine đảo ngược suy thoái Nga?

Trước hết hiển nhiên phải bắt đầu từ Ukraine.

Đây là quốc gia có ý nghĩa chiến lược quan trọng, được Nga xem như một nước đệm để chống lại phương Tây, và là con đường vận chuyển năng lượng sang châu Âu – một yếu tố nền tảng của kinh tế Nga. Ngày 1/1, Viktor Yanukovich, một người được xem là có thiên hướng thân Nga, vẫn là Tổng thống Ukraine. Với sự phức tạp của xã hội và chính trị Ukraine thì cũng khó để nói rằng, dưới sự cầm quyền của Yanukovich, Ukraine đơn giản chỉ là một tính toán của Nga. Nhưng có thể nói khi Yanukovich và đồng sự còn đương nhiệm thì những lợi ích cơ bản của Nga tại Ukraine đã được bảo đảm.

Điều này cực kỳ quan trọng đối với Putin.

Putin thay thế Boris Yeltsin vào năm 2000 một phần là do “thành tích” điều hành của Yeltsin trong chiến tranh Kosovo. Nước Nga lúc ấy đã liên minh với người Serbia và trước đó không muốn NATO khởi động cuộc chiến chống lại nước này. Tuy nhiên những yêu sách của Nga đã bị phương Tây phớt lờ. Mặt khác, khi cuộc không kích không đủ ép Belgrade đầu hàng, Moscow đã thương lượng một thỏa hiệp cho phép Mỹ và quân NATO thâm nhập và quản lý Kosovo. Theo thỏa thuận, quân đội Nga được hứa hẹn sẽ đóng một vai trò chính yếu trong việc gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Tuy nhiên, trên thực tế quân Nga đã không bao giờ được cho phép thực thi vai trò đó. Yeltsin khi ấy đã không thể đáp trả lại sự sỉ nhục này.

Putin lên thay Yeltsin cũng vì tình trạng kinh tế thảm khốc của Nga. Tuy nước này trước nay vẫn nghèo, có một cảm giác rộng khắp là dẫu sao Nga cũng là một lực lượng cần được thừa nhận trên trường quốc tế. Tuy nhiên dưới thời Yeltsin, Nga càng nghèo hơn và bị quốc tế rẻ rúng. Putin phải giải quyết cả hai vấn đề này.

Ông mất một thời gian dài để khôi phục lại sức mạnh của Nga mặc dù trước đó Putin đã nói sự sụp đổ của Liên Xô là tai họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Điều này không có nghĩa là Putin muốn gầy dựng lại một Liên Xô đã tan rã, mà muốn sức mạnh của Nga được coi trọng trở lại, và ông muốn bảo vệ và phát huy những lợi ích quốc gia của Nga.

{keywords}
Ảnh:  Telegraph

Tình thế thay đổi khi Cách mạng Cam xảy ra tại Ukraine vào năm 2004.

Năm đó, Yanukovich được bầu làm tổng thống trong tình trạng đầy uẩn khúc, và những người biểu tình đã buộc ông ta phải chấp nhận cuộc bầu cử lần hai. Kết quả là ông ta thất cử, và chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền.

Khi đó Putin cáo buộc rằng CIA và các tổ chức tình báo phương Tây đã dàn xếp các cuộc biểu tình. Một cách tương đối công khai, Putin cho rằng đây là thời điểm mà phương Tây có ý định phá hủy Liên bang Nga như đã từng làm với Liên bang Xô Viết. Tầm quan trọng của Ukraine đối với Nga là hiển nhiên. Vì thế Putin cho rằng CIA đã đứng sau các cuộc biểu tình ở Ukraine để đẩy Nga vào tình thế nguy hiểm, và điều này chỉ có thể được lý giải bởi mong muốn làm cho nước Nga sụp đổ. Sau sự kiện Kosovo, Putin đã ra mặt chuyển thái độ từ nghi ngờ sang thù địch đối với phương Tây.

Từ 2004 đến 2010, Nga đã nỗ lực để xoay chuyển tình thế của cuộc Cách mạng Cam. Nga đã xây dựng lại quân đội, tập trung vào bộ máy tình báo, và tận dụng mọi ảnh hưởng về kinh tế để cải thiện quan hệ với Ukraine. Giả sử người Nga không thể kiểm soát được Ukraine, họ cũng không muốn để Mỹ và phương Tây làm được điều đó. Đây tất nhiên là lợi ích ngoại giao thiết yếu, tuy không phải là duy nhất của Nga.

Việc Nga can dự vào tình hình Grudia có liên quan nhiều đến Ukraine hơn là vùng Caucasus (Cap-ca-dơ). Lúc đó Mỹ vẫn đang lấn sâu vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Dù Washington không có những ràng buộc chính thức với Grudia, nhưng hai bên có mối quan hệ khá thân thiết và có những đảm bảo ngầm. Nga có hai mục tiêu khi can dự tình hình Grudia.

Thứ nhất, Nga muốn cho khu vực thấy rằng quân đội Nga đã phục hồi trở lại sau tình trạng lộn xộn hồi năm 2000, và đến 2008 đã có thể hành động quả quyết.

Thứ hai là chứng minh cho khu vực mà đặc biệt là Kiev, rằng những bảo đảm của Hoa Kỳ, dù là công khai hay ẩn ý, cũng không hề có giá trị. Năm 2010, Yanukovich thắng cử trở thành tổng thống Ukraine, lật ngược tình thế thời Cách mạng Cam và từ đó hạn chế ảnh hưởng của phương Tây lên đất nước này.

Khi nhận ra vết nứt ngày càng sâu rộng với Nga và xu hướng lánh xa Hoa Kỳ trong khu vực, chính quyền Obama đã nỗ lực tái tạo lại những mối quan hệ trước đây khi Hillary Clinton đề nghị với Putin một “nút tái khởi động” quan hệ vào năm 2009. Nhưng Washington muốn phục hồi mối quan hệ trở lại thời điểm mà Putin cho là “những ngày xưa tồi tệ”. Theo lẽ tự nhiên, Putin không hề hứng thú với đề nghị này. Thay vào đó, Putin nhận thấy động thái mang tính phòng thủ từ phía Hoa Kỳ, và dự định sẽ khai thác lợi thế của mình.

Thế là Putin bắt đầu từ châu Âu, sử dụng sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga để thắt chặt quan hệ với khu vực, đặc biệt là Đức.

Nhưng thời cơ chỉ đến trong giai đoạn chiến sự ở Syria. Lúc đó chính quyền Obama đe dọa sẽ không kích sau khi Damascus sử dụng vũ khí hóa học, để rồi về sau rút lại lời đe dọa đó. Nga đã phản đối mạnh mẽ động thái của Obama và thay vào đó đề nghị một tiến trình hòa giải.

Như vậy, sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, Nga tỏ ra quyết đoán và có khả năng. Trong khi Mỹ lại thiếu quyết đoán và vô dụng. Sức mạnh của Nga theo đó mà vươn lên và vị thế của Putin cũng được nâng cao, mặc cho nền kinh tế đang suy yếu.

Gió đổi chiều bất lợi cho Putin

Những diễn biến ở Ukraine năm nay là thảm họa đối với Putin.

Hồi tháng 1, Nga vẫn chi phối Ukraine. Đến tháng 2, Yanukovich chạy trốn khỏi Ukraine và chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Putin mong đợi sẽ có một làn sóng nổi dậy chống chính quyền lâm thời từ miền Đông Ukraine sau khi Yanukovich bị lật đổ, nhưng điều này đã không xảy ra. Trong khi đó, chính phủ Kiev đã tự củng cố quyền hành với sự hỗ trợ của nhóm cố vấn phương Tây.

Đến tháng 7, Nga chỉ kiểm soát vài khu vực nhỏ của Ukraine. Khu vực này bao gồm Crimea, nơi mà quân đội Nga trước nay vẫn toàn quyền chiếm cứ trên danh nghĩa hiệp ước, và một tam giác trải từ Donetsk đến Luhansk và Severodonetsk, những nơi mà một số nhỏ phiến quân kiểm soát khoảng hơn một chục thị trấn.

Nếu không có cuộc nổi dậy nào xảy ra, chiến thuật của Putin là để mặc cho chính phủ Kiev tự tan rã, đồng thời tách Mỹ ra khỏi châu Âu bằng cách lợi dụng những liên kết chặt chẽ về thương mại và năng lượng của Nga với khu vực.

Đến lúc này thì tai nạn máy bay của Malaysia Airlines trở nên then chốt.

Putin theo đó cũng thay đổi: từ một lãnh đạo có năng lực, sắc sảo thành một người khác. Và dù một số nước có thể phản đối việc đối đầu với Putin nhưng phương Tây đã phải chấp nhận thực tế về mức độ “hiệu quả” và “lý trí” của vị tổng thống này.

Còn nữa

Tác giả: George Friedman | Biên dịch: Nguyễn Phương Tú. Nguồn: Stratfor

Tài liệu được đăng lại từ Nghiencuuquocte.net, xem tại đây.