Amazon, Facebook, Google và Microsoft, cùng với 11 hãng công nghệ có tên tuổi khác đã cùng nhau nộp một tờ đơn chung lên tòa án, khẳng định sự ủng hộ dành cho Apple ngay trước phiên tòa liên bang diễn ra vào cuối tháng.

Vụ việc Apple công khai cãi lời yêu cầu của chính phủ Mỹ về việc chỉnh sửa hệ điều hành iOS để các cơ quan điều tra có thể hack vào điện thoại những đối tượng nguy hiểm giống như giọt dầu loang rộng: ngày càng thu hút sự chú ý, cũng như tranh cãi của nhiều phe.

{keywords}
Nhiều người dùng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Apple 

"Chính phủ đang yêu cầu các doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh, làm ăn của họ", các hãng công nghệ tuyên bố. Khẳng định không hề đồng cảm hay cảm thông gì đối với quân khủng bố, song giới công nghệ nhấn mạnh: "Điện thoại là phương thức để chúng ta sắp xếp, ghi nhớ những thông tin quan trọng. Nó giống như là sự mở rộng, nối dài của ký ức và trí nhớ con người. Hệ quả là muốn truy cập điện thoại của ai đó cũng giống như truy cập vào những suy nghĩ sâu kín nhất của họ, là vấn đề riêng tư nhất của họ".

Các hãng này khẳng định, yêu cầu của FBI sẽ tác động đến toàn bộ ngành công nghệ. "Với đủ thời gian và nguồn lực, các kỹ sư của chúng tôi có thể phát triển bất cứ phiên bản sản phẩm nào tuân thủ các yêu cầu của chính phủ về bảo mật. Nhưng các sản phẩm sẽ không còn giống như hiện nay nữa. Snapchat sẽ không còn là Snapchat, Gmail không còn là Gmail, WhatsApp không còn là WhatsApp, v.v..."

Sự hậu thuẫn mà Amazon, Facebook, Google, Microsoft dành cho Apple được công khai sau một nỗ lực tương tự của Twitter, Airbnb, LinkedIn và 13 hãng khác. Intel và nhà mạng AT&T cũng nộp đơn riêng để ủng hộ Apple trong cuộc chiến này. Không những vậy, Apple còn nhận được sự đồng thuận từ các tổ chức công nghiệp hàng đầu như Hiệp hội Công nghệ Gia dụng, Hội đồng Công nghiệp CNTT, TechNet và Liên minh phần mềm/BSA...

Nhìn chung, giới công nghệ hầu hết đều đứng về phe Tổng giám đốc Tim Cook của Apple. Đó là bởi vì bất chấp những khác biệt trong suy nghĩ, họ đều nhất trí với lập luận đanh thép của Apple rằng nếu bị Chính phủ buộc phải tạo ra một phần mềm đặc biệt để đột nhập vào iPhone mã hóa, sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đe dọa tất cả các thiết bị khác. Ý niệm "cửa sau" đó có thể áp dụng cho mọi thứ, từ smartphone Android cho đến PC chạy Windows 10 hay kể cả các thiết bị y tế.

"Mục tiêu của chính phủ lần này là Apple, song lý thuyết của Chính phủ có thể dễ dàng mở rộng ra bất cứ hãng thứ ba nào", các hãng công nghệ và liên minh thương mại quan ngại.

Về phần mình, FBI lập luận rằng yêu cầu này chỉ nhằm phục vụ 1 tình huống cụ thể và một thiết bị cụ thể là chiếc điện thoại iPhone 5C được một kẻ khủng bố trong vụ thảm sát ở San Bernardino (California) sử dụng hồi tháng 12, khiến 14 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương.

FBI tin rằng việc những "vùng an toàn" kiểu này tồn tại sẽ tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho giới tội phạm. Lập luận này hiện mới nhận được sự ủng hộ từ gia đình các nạn nhân của vụ thảm sát Bernardino mà thôi.

"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thông tin trong điện thoại có thể chỉ ra một kẻ khác? Sẽ ra sao nếu có những vụ tấn công khác mà ông và chúng tôi chẳng làm gì để ngăn chặn cả?", gia đình một nạn nhân viết trong lá thư gửi đến Tim Cook.

Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, dù thế giới công nghệ kịch liệt phản đối, nhưng người dân Mỹ nói chung lại nghiêng về phe FBI. Pew Research nhận thấy 51% số người được hỏi tin rằng Apple nên tuân thủ lệnh của tòa án, so với chỉ có 38% tin rằng hãng không nên mở khóa chiếc iPhone. Một cuộc thăm dò sau đó của Reuters khẳng định có 46% đồng tình với Apple so với 35% phản đối.

Phiên tòa liên bang quyết định Apple có phải tuân thủ yêu cầu của FBI hay không sẽ diễn ra vào ngày 22/3 tới. 

T.C