Trả lời phỏng vấn chuyên mục “Street Signs Europe” của CNBC, phó giáo sư Keyu Jin thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho biết, thỏa thuận ‘bước 1’ chỉ như một thỏa thuận ‘bằng mặt, mà không bằng lòng’, nhằm giúp Mỹ-Trung có thể nói rằng họ đã đạt được một số tiến bộ.
“Thực chất thỏa thuận ‘bước 1’ là về những thứ có thể đàm phán và giải quyết ngay từ đầu. Những việc không thể giải quyết thông qua đàm phán sẽ bị bỏ lại sau, bị hoãn lại, và chúng ta thật sự không biết chuyện gì đang xảy ra. Vậy nên, khi các mức thuế cũ áp lên Bắc Kinh có thể phục hồi, thì đây không thể là một chiến thắng cho họ (Trung Quốc). Hoặc là một chiến thắng cho nước Mỹ, bởi những vấn đề nhức nhối vẫn còn đó”, bà Jin nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc |
Ngoài ra theo bà này, một số vấn đề khó khăn hơn đã được thảo luận trong bản thỏa thuận, như các vấn đề xoay quanh tài sản trí tuệ hay mở cửa thị trường Trung Quốc cũng không đạt được bước đột phá lớn.
“Đó là những gì họ muốn làm, điều này gắn liền với những mục tiêu về lâu dài của Trung Quốc. Hiện có rất nhiều sự tập trung vào công nghệ và đầu tư tới từ chính phủ Trung Quốc, cũng như giới doanh nghiệp tư nhân, nên việc bảo vệ tài sản trí tuệ là vô cùng nan giải”, bà Jin nói thêm.
Và kể cả trong trường hợp Bắc Kinh có những sự nhượng bộ xung quanh các luật và quy định, thì sẽ mất một khoảng thời gian để những điều này được thi hành.
“Có một sự khác biệt giữa những gì ghi trong luật và lúc thực hiện. Rất nhiều thứ được viết trong luật, hệ thống pháp luật khá toàn diện, cơ chế bảo vệ bằng sáng chế cũng có, vấn đề chính ở đây là thực thi”, bà Jin nói.
“Việc thực thi luật khó vận dụng, do điều này liên quan tới nhiều chính quyền địa phương, các công ty địa phương, và chính quyền trung ương không thể quản lý hết. Chính quyền trung ương đang thực hiện các bước đi thực tế nhằm đảm bảo các điều luật sẽ được thực thi, nhưng điều này sẽ mất nhiều thời gian”, bà Jin nhận định.
Tài sản trí tuệ là một vấn đề nan giải trong thương chiến Mỹ-Trung. Ảnh: lawdonut |
Nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang ngóng chờ tín hiệu về thỏa thuận thương mại kể từ khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 10 nói rằng, Mỹ đang cùng Trung Quốc tiến tới “một bản thỏa thuận rất quan trọng”.
Nhiều chuyên gia phân tích cũng đồng ý với nhận định của bà Jin khi họ cho rằng, việc ký kết thỏa thuận sẽ chỉ là một chiến thắng về mặt chính trị. Ví dụ, giảng viên Stephen Roach tại Học viện Jackson thuộc Đại học Yale gọi thỏa thuận thương mại chỉ là ‘vô hình và thiếu sót’, khi đây chỉ là bước tiến mang tính chính trị và không giải quyết được những vấn đề cốt lõi gây ra thương chiến.
Ông Lu Yu thuộc Tổ chức các nhà đầu tư toàn cầu Allianz trả lời phỏng vấn CNBC gần đây rằng, thỏa thuận ‘bước 1’ sẽ không là một bước đột phá đáng kể trong thương chiến, khi ông miêu tả rằng đó chỉ là một ‘sự đình chiến’ trong căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, vẫn có một số người lạc quan về ý nghĩa kinh tế khi bản thỏa thuận sơ bộ được hoàn thiện. Như chuyên gia King Lip thuộc tập đoàn quản lý tài sản Baker Avenue nhận định, ông có niềm lạc quan dành cho bản thỏa thuận ‘bước 1’ sẽ là “sự tích cực về kinh tế cho Mỹ-Trung”.
Tuấn Trần