Bộ giải pháp giúp quản lý, khai thác CSDL ngành GTVT tập trung trên nền tảng bản đồ số; giúp quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa của tỉnh Thái Nguyên.
Hệ thống CSDL sẽ giúp quản lý duy tu, bảo dưỡng, tuần kiểm đường bộ, quản lý phương tiện và người lái, giám sát tài sản hạ tầng IOT, tổng hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch hệ thống GTVT. Đồng thời giúp quản lý, điều hành giao thông thông minh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Bộ giải pháp cũng sẽ cung cấp bản đồ số ngành GTVT và chia sẻ, tích hợp với dữ liệu các ngành khác thông qua trục LGSP; đồng thời là kênh chia sẻ, tương tác thông tin với người dân, đẩy mạnh “xã hội số” ngành GTVT…
Những năm qua, việc số hóa dữ liệu hạ tầng giao thông của tỉnh được Sở GTVT Thái Nguyên thực hiện trên các phần mềm và giải pháp do Bộ GTVT quản lý. Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ phản ánh được phần đường bộ do Trung ương quản lý. Hệ thống đường địa phương và công tác vận tải được quản lý thủ công trên các ứng dụng của Microsoft (Word, Excel …).
Hiện nay, Sở GTVT đang quản lý 20 tuyến đường tỉnh với chiều dài 373,5km. Tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn các huyện, thành phố là 4.195,726Km (700,09km đường huyện; 247,182km đường đô thị; 3.248,454km đường xã), trên hệ thống đường có 41 cầu treo, 53 đường ngầm, 193 đường tràn liên hợp cống.
Việc được số hóa thành CSDL ngành sẽ giúp thuận tiện cho công tác quản lý, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chuyên ngành GTVT.
Với nhiệm vụ “tiên phong chuyển đổi số quốc gia”, VNPT đã xây dựng và cung cấp nhiều giải pháp công nghệ giúp các sở, ngành thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn. Trong đó có các giải pháp về lĩnh vực GTVT.
Theo Chu Hồng Đông (Báo Thái Nguyên)