Những năm qua, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo cho nhân dân, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó:
Ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135).
Chương trình 135 có mục tiêu tổng quát: “Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng”.
Theo Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn, giao cho Bộ Quốc phòng tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các vùng (khu) kinh tế mới, giúp dân xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở những vùng đất còn hoang hoá, các xã đặc biệt khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ngày 19/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 22/2021/NĐ-CP về khu kinh tế - quốc phòng, trong đó quy định Quân đội tiếp tục xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển đảo. Mục tiêu là tiếp tục giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững; củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược để hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Theo đó, các đơn vị Quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để Nhân dân ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức, bố trí sắp xếp các điểm dân cư, định canh, định cư trên địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, các đảo, quần đảo xa bờ bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững và ổn định quốc phòng, an ninh.
Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và hỗ trợ phát triển sản xuất tạo yếu tố ban đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ; tổ chức dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm (dịch vụ hai đầu); chuyển giao công nghệ sản xuất cho Nhân dân; tổ chức sản xuất khai thác hiệu quả đất đai đối với những địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ sở kinh tế ở những vùng biển, đảo khó khăn làm cầu nối giữa đất liền và đảo, quần đảo; tổ chức các hoạt động dịch vụ trên biển hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất để tăng cường hoạt động dân sự trên các vùng biển, đảo khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán trên biển.
Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trước hết, phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo với nội dung là sự tiếp tục và mở rộng các chương trình xóa đói, giảm nghèo, kể cả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện, xã, thôn bản nghèo.
Cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận và chính quyền các cấp, các ngành phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình một cách tích cực, khoa học, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan.
V.v....
Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.
Tuy nhiên, mặc dù là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao”. Do đó, cần phải đánh giá những điểm chưa được trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để trên cơ sở đó, có những giải pháp phù hợp, nhằm đạt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2026, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm như Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.
Vĩính Sang, Mỹ Bình, Huyền Sâm, Như Sỹ, Mai Hương, Đình Thành, Lê Thuý