Hiện tại nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỷ đang ngồi trên đống lửa khi nhận được thông tin, vốn giải ngân sau ngày 30/6/2016 không được tính theo lãi suất ưu đãi 5% mà áp dụng lãi suất thương mại

Có sự hiểu nhầm?

Giải ngân cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở tuy nhiên phải chăng đã có sự hiểu lầm?

Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở (TT11/2013) do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến ký, nêu rõ Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại thông tư này.

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (từ ngày 1/6/2013).

Riêng về thời hạn giải ngân 36 tháng, thì lãnh đạo bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và nhiều doanh nghiệp bất động sản, chủ đầu tư... đã từng có các ý kiến đề xuất kiến nghị nới thời hạn giải ngân để hỗ trợ cho vay người lao động có nhu cầu nhà ở.

{keywords}
Nhiều khách hàng mua nhà ở xã hội đang sốt xình xịch trước thông tin gói 30.000 tỷ giải ngân sau 1/6/2016 sẽ áp lãi suất thương mại

Về trường hợp một số khách hàng vay gói 30.000 tỷ "suýt ngất" khi nhận được thông tin, vốn giải ngân sau ngày 30/6/2016 không được tính theo lãi suất ưu đãi 5% mà áp dụng lãi suất thương mại, điều này được cụ thể trong hợp đồng của khách hàng với ngân hàng. Nhiều khách hàng ký hợp đồng mà không xem kỹ các điều khoản về lãi suất, thời gian thực hiện nên sau đó mới "ngã ngửa".

Tuy vậy, thông tin từ tháng 6/2016 sẽ dừng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã xôn xao từ năm 2015.

Trả lời trên Báo Infonet về thông tin từ tháng 6/2016 sẽ dừng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Mạnh Hà, khi còn là Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định là không có chuyện dừng triển khai gói này sau ngày 30/6/2016.

Ông Hà cho biết, theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước thì gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ được triển khai đến ngày 30/6/2016. Nhưng sau thời gian đó, theo quy định của Luật Nhà ở hiện nay, các chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục thực hiện và được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước cũng phải có quy định các ngân hàng thương mại dành ra một tỷ lệ tín dụng phù hợp để cho vay đối với nhà ở xã hội, chứ không phải dừng gói 30.000 tỷ.

Gói 30.000 tỷ bị trục lợi, rủi ro khách hàng gánh?

Vào tháng 7/2015, trên thị trường bất động sản xôn xao việc hàng tỷ đồng từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng bị trục lợi.

Thời điểm đó, khi dư luận dấy lên câu hỏi về “trách nhiệm” của ngân hàng - một trong những mắc xích quan trọng nhanh chóng phủ nhận. Theo các tổ chức tín dụng, việc xét duyệt và thẩm định gói vay 30.000 tỷ đồng tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi thời hạn giải ngân gói ưu đãi trên sắp hết, nhiều ngân hàng bắt tay chủ đầu tư “lách luật” để chạy đua dư nợ. Nhưng điều cần bàn là Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng đã ở đâu trước sự việc này?

Việc bắt tay “ngầm” giữa một số ngân hàng và chủ đầu tư dự án để "lách luật" trong thực hiện ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng khi lén lút, lúc công khai như một sự thách thức đối với các cơ quan chức năng. Khâu thẩm định của ngân hàng rõ ràng chỉ chú trọng đến khả năng tài chính của người mua nhà hơn là dòng tiền từ gói 30.000 tỷ đồng có chảy đúng chỗ không. Tình trạng này không chỉ là giả thuyết như các phương tiện truyền thông đã đăng tải. Thực tế, nó đã và đang diễn ra trên quy mô lớn tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, nếu ngân hàng giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sau ngày 1/6 thì rất có thể phải giải ngân theo lãi suất thương mại hiện tại của thị trường. Lúc này chắc chắn nhiều khách hàng không chấp nhận giải ngân. Trong khi đó ngân hàng đang rất cần dư nợ nên sẽ cố gắng giải ngân càng nhiều càng tốt trước hạn định. Để tránh rủi ro cho mình nếu có thanh tra, chủ đầu tư và ngân hàng tư vấn cho khách hàng làm đơn đề xuất để có lịch đi tiền một lần trước ngày 1/6 nhằm hợp thức hóa và được chiết khấu giá.

Nếu như vậy, ngân hàng “khỏe tay” vì hoàn thành chỉ tiêu, còn DN BĐS được nhận tiền giải ngân sớm. Tiến độ mới xây xong tới B mà đã có tiền C, D, E rồi. Có ai dám đảm bảo chủ đầu tư không dùng số tiền giải ngân này để đầu tư sang hạng mục khác? Cái thiệt là người mua nhà phải chịu gánh nặng trả lãi cho khoản giải ngân một lần (67%) thay vì trả lãi ít hơn nếu giải ngân theo tiến độ. Thực tế, dự án tại huyện Hoài Đức trên chỉ đang bắt đầu lên tầng 1 mà ngân hàng giải ngân một lần lên đến tầng 34 thì đặt ra câu hỏi: “Trường hợp DN bị trục trặc, ai gánh?”. Lúc này khách hàng vừa là con nợ, vừa không biết khi nào nhận được nhà.

Luật sư Bùi Sinh Quyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: “Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định đến thời hạn 1/6, sẽ chỉ căn cứ vào số giải ngân chứ không căn cứ vào số đăng ký. Tức là khi gói vay hết hạn, vẫn tiến hành giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký từ trước tháng 6/2016, nhưng theo lãi suất hiện tại của thị trường. Trong thời điểm rối ren, những người đã ký hợp đồng vay từ gói 30.000 tỷ đồng trước gần một năm còn “đang ngồi trên đống lửa” thì những lời cam kết “giải ngân một lần 67%” là vô cùng rủi ro”.

Hoàng Anh (tổng hợp)