Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2019, Google Doodle thiết kế tập hình ảnh chưa có trước đây.
Không chỉ độc đáo về hình ảnh: Với chữ "Phụ Nữ" được thể hiện bằng 11 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, Google còn ngầm tôn vinh phụ nữ bằng một ý nghĩa rất độc đáo: (1) Khi click vào biểu tượng "play", người dùng sẽ được thấy tệp 13 hình ảnh chứa các câu nói của người nổi tiếng.
Đó là 13 người phụ nữ đến từ các quốc gia khác nhau, với những vai trò khác nhau trong xã hội, có người là phi hành gia, có người là họa sĩ, nhà văn, nhà ngoại giao và võ sĩ quyền anh...
Điều đặc biệt chưa dừng ở đó, (2) tất cả các hình ảnh Doodle mà Google trình diễn hôm nay trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2019 đều là công trình của các nhà thiết kế nữ tài năng trên toàn thế giới được Google mời về thực hiện.
Đây chính là món quà thể hiện lòng trân quý rất lớn của "gã công nghệ khổng lồ" Google dành cho "một nửa của thế giới" nhân ngày đặc biệt này của họ.
Trong số 13 người phụ nữ vinh dự được Google nhắc đến có nữ Tiến sĩ Mae Jemison (Phi hành gia và bác sĩ người Mỹ) với câu nói thể hiện bản lĩnh của một nữ du hành vũ trụ kiên cường của NASA: "Đừng bao giờ giới hạn bản thân trong trí tưởng tượng hạn hẹp của người khác."
Câu nói của nữ Tiến sĩ Mae Jemison (Phi hành gia và bác sĩ người Mỹ). Ảnh: Google Doodle
Vậy Tiến sĩ Mae Jemison là nhân vật nổi tiếng như thế nào?
Tiến sĩ Mae Jemison, tên đầy đủ là Mae Carol Jemison (sinh ngày 17/10/1956), là một kỹ sư, bác sĩ và phi hành gia NASA người Mỹ.
Trong sứ mệnh đầu tiên của tàu con thoi Endeavour tháng 5/1992, Mae Jemison vinh dự trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên trên thế giới du hành vũ trụ khi cô trở thành phi hành gia của Endeavour trong sứ mệnh đầu tiên mang ký hiệu STS-49.
Để được trở thành thành viên của đội ngũ phi hành gia NASA, Mae Jemison đã xây cho mình bảng thành tích đáng nể: Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Stanford với bằng Cử nhân Kỹ sư hóa học và bằng y khoa tại trường Đại học Y Cornell với kết quả xuất sắc, cô tình nguyện phục vụ cho Đoàn Hòa binh (Peace Corps - một chương trình tình nguyện do chính phủ Mỹ điều hành) với tư cách là một Sĩ quan Y tế từ năm 1985 đến năm 1987.
Thủa còn nhỏ, Mae Jemison luôn tin rằng một ngày nào đó mình sẽ được bay vào vũ trụ. Năm 1987, cô mạnh dạn gửi đơn xin gia nhập NASA với vai trò là phi hành gia và được chấp nhận.
Nữ phi hành gia của NASA Mae Jemison. Ảnh chụp năm 1992. Nguồn: NASA
5 năm sau, giấc mơ bay vào vũ trụ của cô gái từng dành cả tuổi thơ sống tại Chicago và thần tượng Martin Luther King Jr, đã trở thành hiện thực khi cô đóng vai trò là chuyên gia trên tàu con thoi Endeavour.
Mae Jemison đã cùng với 5 phi hành gia khác của NASA và một chuyên gia về trọng tải của Nhật Bản trong 8 ngày nghiên cứu trên Endeavour khi nó quay quanh Trái Đất để hỗ trợ sứ mệnh SLJ, một nỗ lực chung giữa Nhật Bản và Mỹ.
Sau sứ mệnh trên Endeavour, Mae Jemison từ chức tại NASA và mở một công ty chuyên ứng dụng công nghệ vào đời sống. Với 9 bằng tiến sĩ danh dự về khoa học, kỹ thuật, văn học, cựu phi hành gia NASA muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực mới.
"Tôi rời NASA vì tôi rất quan tâm đến cách khoa học xã hội tương tác với các công nghệ."
"Mọi người luôn nghĩ rằng công nghệ là thứ gì đó phải có silicon. Nhưng bút chì cũng là công nghệ. Ngôn ngữ cũng là công nghệ. Công nghệ là công cụ chúng ta sử dụng để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể và khi nói về công nghệ phù hợp ở các nước đang phát triển, thì công nghệ là bất cứ thứ gì từ lửa đến năng lượng Mặt Trời." - Mae Jemison nói.
Mae Jemison trên tàu con thoi Endeavour năm 1992. Nguồn: NASA
Không chỉ quan tâm đến công nghệ, Tiến sĩ còn viết sách, tham gia vũ đạo, diễn xuất và thường xuyên xuất hiện trên truyền thông.
Cuốn sách đầu tiên của nữ Tiến sĩ là "Find Where the Wind Goes" (2001), đây là cuốn hồi ký về cuộc đời cô, mô tả thời thơ ấu của mình, từ thời gian ở Stanford, trong Quân đoàn Hòa bình, đến vai trò là một phi hành gia của NASA.
Google tôn vinh 8/3 theo cách không thể đặc biệt hơn: Thiết kế hình ảnh chưa từng có
Diều hoa Miến Điện: Loài chim quý thuộc Sách Đỏ IUCN mang vẻ đẹp dũng mãnh hiếm có
Năm 1993, Mae Jemison xuất hiện với vai Trung úy Palmer trong "Star Trek: The Next Generation", một tập của loạt phim truyền hình khoa học viễn tưởng Star Trek. Vai diễn này đưa cô trở thành phi hành gia ngoài đời thực đầu tiên xuất hiện trên Star Trek.
Tiến sĩ Mae Jemison cũng xuất hiện với tư cách là cố vấn kỹ thuật của series khoa học "World of Wonder" của kênh Discovery Channel (Mỹ).
Trong sự nghiệp của mình, Tiến sĩ Mae Jemison nhận được sự công nhận của rất nhiều tổ chức khoa học ở Mỹ và quốc tế. Tổng cộng Tiến sĩ nhận được 18 Danh hiệu và giải thưởng, trong đó có: Giải thưởng Khoa học và Công nghệ "Tinh hoa" 1988; "Một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất" do Tạp chí Ebony năm 1993 bình chọn; Là một trong 100 người Mỹ gốc Phi vĩ đại nhất năm 2002; Giải thưởng Tiên phong Không gian Buzz Aldrin 2017...
Mae Jemison giờ đã trở thành một người phụ nữ thành đạt, xinh đẹp.
Với những cống hiến cho ngành vũ trụ nói riêng và ngành khoa học đời sống nói chung, Mae Jemison trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Đó là lý do hôm nay ngày Quốc tế Phụ nữ, Google muốn vinh danh bà.
Bài viết sử dụng nguồn: Google/Doodle