Ngoài ra, Google cũng ngăn truy cập vào Google Play Store trừ khi thiết bị được cài sẵn Google Chrome và Search (tìm kiếm). Theo Reuters, các quan chức EU đang thành lập một hội đồng chuyên gia để đánh giá tình hình. Nếu hội đồng nhất trí, Google có thể còn đối mặt với án phạt nặng hơn án phạt kỷ lục 2,7 tỷ USD trước đó vào tháng 6.

Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi rắc rối pháp lý mà Google đang vướng phải tại EU và Nga. Gã khổng lồ tìm kiếm vừa nhận mức phạt lớn nhất lịch sử sau khi EU tuyên bố hãng lợi dụng sức mạnh để quảng bá dịch vụ mua sắm Google Shopping và “dìm hàng” các đối thủ khác.

Hồi tháng 4, Google cũng buộc phải trả vài triệu USD sau khi một tổ chức chống độc quyền xác định công ty ưu tiên ứng dụng riêng thay vì ứng dụng của hãng khác trên smartphone chạy hệ điều hành Android.

Ngoài độc quyền, quyền riêng tư cũng trở thành cuộc chiến pháp lý của Google và các doanh nghiệp công nghệ khác. Tháng trước, Google bị Tòa án Munich của Đức phạt do chưa làm đủ để đáp ứng “quyền bị lãng quên” của EU, nơi người dân có thể đề nghị các công cụ tìm kiếm xóa liên kết gắn với dữ liệu sai lệch hoặc gây nhầm lẫn.

Vài tháng gần đây, một công ty công nghệ khác của Mỹ là Facebook cũng gặp rắc rối tại châu Âu vì vấn đề quyền riêng tư. Một ủy ban của Pháp phạt mạng xã hội vì hiển thị quảng cáo mục tiêu cho người dùng dựa vào dữ liệu của họ mà không thông báo. Khoản phạt này chỉ là “muỗi” so với khoản phạt của Google. Tuy vậy, một bộ quy định mới của EU có hiệu lực từ năm 2018 cho phép chính phủ phạt các hãng tối đa 4% doanh thu mỗi năm nếu phạm pháp. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thường xuyên nghe thấy các án phạt tỷ đô hơn hiện tại.