Theo nguồn tin của Thời báo phố Wall, đầu năm nay, Facebook cũng đề nghị mua Titan Aerospace song bị Google "nẫng tay trên". Cuối cùng, mạng xã hội lớn nhất hành tinh bỏ ra 20 triệu USD mua lại công ty sản xuất máy bay Ascenta của Anh.

Hiện, Google và Facebook đang “ngầm” cạnh tranh trong việc đưa kết nối Internet không dây, giá rẻ đến 5 tỷ người trên thế giới. Hai hãng đều muốn tạo ra mạng lưới trên khí quyển tầng cao bằng khinh khí cầu/máy bay và từ đó cung cấp kết nối web không dây đến các khu vực hẻo lánh mà không cần phải chi hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Dù có chung mục đích, ở giai đoạn đầu, Facebook và Google đi theo hai hướng khác nhau: Google muốn dùng khinh khí cầu, trong khi Facebook lựa chọn máy bay không người lái.

Google, máy bay không người lái, internet giá rẻ

Tuy nhiên, với thương vụ lần này, có vẻ Google muốn loại bỏ khinh khí cầu và thay bằng phương tiện tương tự Facebook. Thực tế, khinh khí cầu chỉ có thể bay trên không trung khoảng 100 ngày và mang theo tải trọng nhỏ. Chúng cũng không dễ điều khiển, phải phụ thuộc vào khí quyển để điều khiển và thay đổi vị trí. Ngược lại, mẫu Solara 60 UAV của Aerospace lại sử dụng năng lượng mặt trời, bay liên tục trong khoảng 5 năm, dễ điều khiển và tải được khoảng 110kg.

Nhờ vào khả năng của máy bay Titan, Google có điều kiện trang bị công nghệ tốt hơn và không chỉ dùng chúng cho việc xây dựng mạng lưới. Trao đổi với Thời báo Phố Wall, phát ngôn viên Google cho biết phương tiện này có thể được dùng để cung cấp hình ảnh độ phân giải cao thời gian thực cho Google Maps, cảnh báo thiên tai và xử lý nạn chặt rừng tốt hơn.

Đưa kết nối Internet đến 5 tỷ người trên hành tinh, cải thiện cảnh báo thiên tai, chống nạn phá rừng đều là mục đích cao cả, song mục đích cuối cùng của Google (và cả Facebook) chính là mở rộng mạng lưới, thu thập thêm nhiều dữ liệu từ người dùng khi kết nối Internet.