Người đại diện của Didi cho biết, ngoài số tiền trên,  khoản tiền đầu tư của các ngân hàng và các nhà đầu tư khác cho Grab còn có thể lên tới 500 triệu USD. Đại diện của Grab cũng vừa xác nhận hãng này nhận được số tiền đầu tư từ SoftBank Group Corp, chứ không phải quỹ Vision của SoftBank như thường lệ, tuy không nói rõ số tiền chính xác là bao nhiêu.

Khoản đầu tư đã giúp giá trị của Grab tăng lên hơn 6 tỉ USD, gần gấp đôi số tiền ở vòng gọi vốn vào tháng 9/2016 hãng này đã thực hiện.

Anthony Tan, CEO và người đồng sáng lập của Grab cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược với Didi và Softbank. Chúng tôi tin rằng hai công ty đối tác với chiến lược tương đồng đều chia sẻ tầm nhìn lạc quan về tương lai giao thông tại Đông Nam Á và Grab đã chứng minh vị thế lý tưởng  để thu hút vốn trên thị trường này”.

Cả Didi và SoftBank đều tin rằng Grab chính là con át chủ bài để đánh bật Uber ra khỏi thị trường Đông Nam Á, theo đúng như cách Didi đã làm tại Trung Quốc khi Uber đồng ý bán chi nhánh của mình tại đây cho hãng này vào hồi tháng 8 năm ngoái. Niềm tin vào chiến lược này càng được củng cố khi Uber đã quyết định bán chi nhánh tại Nga cho Yandex vào tháng này.

Cheng Wei, CEO của Didi tin rằng “Bắt đầu với giao thông, Grab đang giành được vị trí dẫn đầu trên thị trường kinh tế công nghệ nhờ có lợi thế về thị trường, ưu thế về công nghệ và sự thấu hiểu môi trường kinh doanh bản địa”.

Grab đã có mặt tại 36 thành phố với 1,1 triệu lái xe đang sử dụng ứng dụng của mình. Đầu năm nay, Grab tuyên bố khoản đầu tư 700 triệu USD để phát triển dịch vụ tại Indonesia trong đó dành ít nhất 100 triêu USD cho các vụ thu mua và sáp nhập.

Tham vọng lớn, chiến lược tốt và được hậu thuẫn mạnh mẽ, Grab chắc chắn sẽ thu được nhiều hơn nữa tại thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng.