Tại ki-ốt mở tạm bên ngoài ngôi nhà ở một khu phố phía Nam Jarkarta (Indonesia), Julaiha. 39 tuổi, đang đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến hàng tỷ đô-la trong nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài các món hàng lặt vặt như mỳ ăn liền, thuốc lá, cô bán cả bảo hiểm và cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiện ích.
Dù Julaiha không có tài khoản ngân hàng, cô giúp khách của mình vay các khoản nhỏ hoặc đặt hàng từ Internet. Một năm trước, cô trở thành đại lý của Grab, công ty được biết đến với tên “Uber Đông Nam Á”. Chồng cô cũng đang chạy xe cho Grab. “Tôi từng phải làm việc vất vả trong cửa hàng. Nay, tôi làm ở nhà, bấm điện thoại và kiếm tiền”.
Tuyển dụng người dân là một phần trong nỗ lực của Grab nhằm củng cố sức mạnh tại Indonesia – quê nhà của đối thủ Go-Jek – khi các hãng đua nhau đưa ngân hàng, thương mại điện tử, gọi xe, giao đồ ăn và dịch vụ khác đến mọi ngóc ngách Đông Nam Á. Mục tiêu của họ là trở thành ‘siêu ứng dụng’ cần thiết cho các nước có dân số gộp hơn 650 triệu người. Theo Jixun Foo, đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Ventures, phần lớn người dân khu vực này chưa có tài khoản ngân hàng. Đây chính là cơ hội khổng lồ.
Grab (Singapore) đã được rót hàng tỷ USD từ những tên tuổi lớn, có thể kể đến: SoftBank, Microsoft, Toyota, Uber. Trong khi đó, Go-Jek (Indonesia) lại được sự hỗ trợ của Google, Tencent, JD.com, KKR.
Cả hai có những điểm tương đồng ấn tượng: xuất phát từ các dịch vụ gọi xe, cung cấp các chuyến đi giá rẻ hơn hẳn và thu hút được hàng triệu người dùng, nhà sáng lập cũng học cùng trường Harvard Business School (Nadiem Makarim của Go-Jek và Anthony Tan, Tan Hooi Ling của Grab).
Grab là người chơi lớn hơn, được định giá khoảng 11 tỷ USD. Giá trị của Go-Jek vào khoảng 9 đến 10 tỷ USD. Mỗi công ty đều đang tiến hành vòng gọi vốn mới.
Hai thương vụ lót đường cho Grab
Indonesia chiếm hơn 1/3 dân số Đông Nam Á và Grab đã tuyên bố ưu tiên thị trường này, mua lại startup Kudo cùng mạng lưới 1,7 triệu đại lý, trong đó có cả nhân vật Julaiha kể trên. Grab còn hợp tác với hãng fintech OVO, thuộc sở hữu của tập đoàn Lippo. Nhờ hệ thống trung tâm thương mại lớn, sản phẩm thanh toán trên smartphone của OVO cũng hiện diện khắp nơi.
Với sự giúp đỡ của OVO, Giám đốc Tài chính Reuben Lai cho biết Grab có ý định mang “trọn vẹn dịch vụ tài chính, bao gồm cho vay nhỏ, bảo hiểm và tiết kiệm đến Indonesia”. Grab cũng mua cổ phần trong OVO, theo nguồn tin của Reuters.
Thương vụ với Kudo và OVO giúp Grab chiếm thị phần Indonesia khỏi tay Go-Jek dù ứng dụng “sân nhà” Go-Jek đang được các chuyên gia đánh giá là có lợi thế quan trọng. Tính đến hiện tại, Go-Jek đã có 108 triệu lượt tải ứng dụng, 50% người dùng Go-Jek sử dụng dịch vụ thanh toán Go-Pay và đang là ví điện tử phổ biến nhất nước. Ngược lại, OVO có 60 triệu lượt tải nhưng lại tuyên bố là nền tảng hàng đầu dựa theo tổng giá trị thanh toán nhờ những khách hàng giầu có chi trả nhiều hơn tại các chuỗi nhà hàng.
Lợi thế con người
Nhiều ông lớn khác cũng vung tiền cho nền kinh tế điện tử của Đông Nam Á, bao gồm Alibaba (Trung Quốc) khi thực hiện các bước tiến về dịch vụ tài chính thông qua Ant Financial và kiểm soát trang thương mại điện tử Lazada. Tencent quảng bá siêu ứng dụng We-Chat và cũng hoạt động tích cực trong thương mại điện tử, game.
Khu vực đủ lớn để người chơi nào cũng có phần. Tuy nhiên, Go-Jek và Grab được dự báo là khó bị đánh bại nhờ sự quen thuộc và niềm tin gây dựng từ dịch vụ gọi xe và trong chính các đại lý của họ. Các đại lý có thể giới thiệu những người chưa từng dùng dịch vụ ngân hàng – ước tính khoảng 2/3 dân số Indonesia – sử dụng dịch vụ tài chính đồng thời đóng vai trò như trung tâm để khách hàng đặt hàng và nhận hàng mua trên mạng.
Cũng như Grab, Go-Jek cũng có nhiều cặp vợ chồng đảm nhiệm vai trò đại lý và tài xế cho công ty. Go-Jek mở rộng mạng lưới đại lý năm 2017 với việc mua lại startup Mapan, bao gồm 180.000 người đứng đầu cộng đồng, điều hành các nhóm không chính thống nhằm giúp đỡ những gia đình thuộc tầng lớp lao động mua đồ gia dụng và có lượng khách hàng khoảng 2 triệu.
Bên ngoài Indonesia, Grab đang ở “chiếu trên” so với Go-Jek. Grab hoạt động tại 8 nước và chỉ mới bắt đầu con đường siêu ứng dụng từ năm trước nhưng đã rất nhanh chóng xây dựng được nhiều dịch vụ khác nhau. Công ty cung cấp các ví điện tử hợp tác với ngân hàng hoặc hãng fintech tại Singapore, Việt Nam, Malaysia, Philippines và đang chuẩn bị tung ra ở Thái Lan. Kudo cũng đang mở rộng sang Philippines, Việt Nam và Singapore.
Go-Jek đi sau Grab và chưa tiết lộ các đối tác. Tuy nhiên, công ty tháng này tuyên bố hợp tác với DBS Group Holdings, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, cho các dịch vụ tài chính. Go-Jek giới thiệu ứng dụng tại Việt Nam trong tháng 9, tại Singapore vào tuần này và Thái Lan vào tháng 12.