Hiệp hội taxi Hà Nội mới đây vừa gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội, Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội cùng các cơ quan tham mưu của UBND TP. Hà Nội cho phép các hãng taxi được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử “để được hưởng các ưu đãi đặc biệt đối với loại hình kinh doanh vận tải này".
Một nhóm xe ôm công nghệ đang chờ khách cùng với taxi truyền thống trước cửa một trung tâm thương mại ở TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng |
Về việc này, Grab “hoan nghênh” kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa quyền lợi cơ bản của mình, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho toàn ngành dịch vụ vận tải nói riêng, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Grab cho rằng luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội.
Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24) cho phép không chỉ các mô hình kinh doanh mới như Grab, Uber, Emddi mà cả các đơn vị vận tải truyền thống có thể triển khai hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Nhiều doanh nghiệp taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công… đã chủ động tham gia Đề án ngay từ những ngày đầu, đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn. Chất lượng dịch vụ của hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ trên thị trường nói chung đã được cải thiện đáng kể”, Grab cho biết.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ trong dịch vụ vận tải hành khách sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm: giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như gia tăng hiệu suất và thu nhập của tài xế, cung cấp dịch vụ di chuyển minh bạch, an toàn, tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho người dùng và giúp các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông.
“Chúng tôi rất hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ khi loại bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng mô hình kinh doanh phù hợp”, Grab viết trong thông báo gửi truyền thông.
Mới đây, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ bản dự thảo mới nhất Nghị định mới thay thế Nghị định 86 quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong dự thảo lần thứ 10 vừa được gửi đi, Bộ GTVT cho biết đã rà soát, tiếp thu và bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn hộp với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm” trên nóc xe đối với xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm xe hợp đồng, xe du lịch).
Ngay sau đề nghị bỏ “gắn mào” cho xe taxi công nghệ của Bộ GTVT như vừa nói, Hiệp hội taxi Hà Nội đã ra văn bản đề nghị được đối thoại trực tiếp với Thủ tướng để trao đổi ý kiến chung quanh Nghị định 86 nói trên.