Chính thức có kết luận về thương vụ Grab - Uber |
Giữa năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã chính thức điều tra hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Kết quả điều tra chính thức cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50% và được xác định là có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
Đến tháng 12/2018, Cục CT&BVNTD chuyển toàn bộ báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Hội đồng cạnh tranh (đây là cơ quan do Chính phủ thành lập, hoạt động độc lập với Bộ Công thương). Đồng thời, vụ việc tiếp tục điều tra bổ sung sự việc cho đến năm 2019.
Sau khi tổ chức phiên điều trần theo hình thức xử kín vào ngày 11/6/2019, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong đó khẳng định do chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế nên bên bị điều tra không vi phạm Luật Cạnh tranh.
Như vậy, theo kết luận của Hội đồng này, việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa Grab và Uber hoàn toàn không vi phạm luật và thương vụ này chính thức được chấp nhận tại Việt Nam.
Phía Bộ Công thương cho hay, theo quy định khi giải quyết vụ việc cạnh tranh cụ thể, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do đó, quan điểm của Bộ Công Thương là tôn trọng các nội dung trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nghiên cứu, đánh giá các lập luận của Hội đồng xử lý trong từng nội dung của Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được ban hành.