Tại IMO lần thứ 58, Đoàn Việt Nam đứng thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, xếp thứ 3 toàn đoàn, đây là thành tích cao nhất sau 43 năm Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế.
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2017 |
PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi cùng GS Ngô Bảo Châu về nền Toán học Việt Nam hiện nay nhân dịp ông về Việt Nam làm việc trong mùa hè năm nay.
Thưa GS Ngô Bảo Châu, trong một cuộc hội ngộ gần đây của các nhà Toán học Việt Nam, có một GS cho rằng Toán học của chúng ta đang yếu trầm trọng về mọi mặt. Ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng bối cảnh của Việt Nam hiện nay rất khác cách đây 10 năm. Còn nhớ năm 2003, khi tôi cùng một GS người Pháp hợp tác đào tạo Toán giữa Việt Nam với Pháp thì tình hình ngày đó là không chừng Toán học Việt Nam sẽ biến mất, không có đội ngũ kế cận, không có ai đi học toán. Nhưng sau đó đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta có một lớp kế cận tài năng. Nếu tính về con số thì có thể thấy Toán học Việt Nam cao hơn nhiều so với những nước có nền giáo dục Đại học (ĐH) phát triển hơn Việt Nam như Singapore về các bài báo quốc tế.
Liệu có đúng toán học Việt Nam yếu trầm trọng không? Tôi không nghĩ đến mức bi quan như thế. Vì dù sao Việt Nam cũng là nước nhỏ về mặt khoa học. Toán học Việt Nam phản ánh vị thế của ĐH Việt Nam trên thế giới, nhưng thậm chí còn đứng cao hơn nhiều so với vị thế ĐH. Tôi nói chuyện với các nhà khoa học trên thế giới, nói đến Toán học, họ có một sự tôn trọng nhất định đối với Việt Nam.
Xét một cách rộng hơn, kể cả các nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài thì bức tranh Toán học của chúng ta rất tốt. Tôi lấy ví dụ như cách đánh giá định tính, trong Toán học có một đánh giá được mọi người tin tưởng đó là những người được báo cáo mời ở Đại hội toán học thế giới, 4 năm tổ chức một lần.
Ở các Đại hội, ngoài trao giải thưởng Fields thì còn có các báo cáo, có người báo cáo toàn thể, có người báo cáo ở tiểu ban. Dù báo cáo ở tiểu ban nhưng đó là một vinh dự rất lớn. Người được báo cáo là người có công trình sáng giá nhất trong chuyên ngành đó. Đây là dấu ấn đối với cá nhân mỗi người.
Ở các trường ĐH trên thế giới, đến thời gian tổ chức Đại hội, ai cũng mong chờ xem khoa mình có ai được báo cáo. Vì đây là một cuộc đánh giá khá khách quan. Năm 2006 tôi được báo cáo mời, 2010 được giải Fields. Trước tôi có một GS Toán gốc Việt được báo cáo mời từ năm 70 của thế kỷ trước. Bây giờ đã có một số các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài được vinh dự này. Đại hội lần trước ở Seoul, Hàn Quốc là GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale) báo cáo mời tại tiểu ban, năm nay có hai người là anh Đinh Tiến Cường (ĐH Paris 6), anh Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona).
Đồng thời, các nhà Toán học trên đều là những cộng tác viên của Viện Toán cao cấp Việt Nam (VIASM). Tôi tin rằng đây là xu thế chung. Những năm tới, các nhà Toán học của Việt Nam tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình trên thế giới. Vai trò của VIASM là nếu không cuốn hút được các nhà Toán học về Việt Nam thì cũng giữ cho họ được mối tương tác thường xuyên với Việt Nam.
Thiếu lá cờ đầu trong toán ứng dụng
Vậy chúng ta còn điều gì lo lắng, thưa Giáo sư?
- Chất lượng Toán học của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Hàng năm khi xét hồ sơ nghiên cứu ở VIASM, tôi cùng Hội đồng khoa học thấy rõ điều đó. So với Mỹ, Pháp thì chúng ta đúng là yếu toàn diện nhưng không đến mức trầm trọng. Nếu tính cả các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài thì chúng ta không thua kém Trung Quốc.
So với khủng hoảng vào những năm 2000, tình hình hiện tại là tốt hơn so với mong đợi. Đó là sự nỗ lực suốt một thời gian dài của rất nhiều nhà Toán học Việt Nam từ những năm 2002, 2003. Những lớp học cao học quốc tế mà cá nhân tôi với GS Lê Tuấn Hoa, GS Đỗ Đức Thái đã bỏ nhiều công xây dựng. Mỗi lớp đó đã tạo ra mỗi năm mấy chục tiến sĩ. Không phải ai cũng giỏi, ai cũng làm toán nhưng đã tạo ra một đội ngũ khá mạnh.
Hay những nỗ lực của các nhà Toán học trong TPHCM như anh Đặng Đức Trọng, anh Dương Minh Đức đã đào tạo một lớp sinh viên Toán học rất tốt ở ĐH quốc gia TPHCM. Sau này, các bạn ấy rất thành công như Nguyễn Hoài Minh (ĐH Bách khoa Zurich, Thụy sĩ), Nguyễn Lực (ĐH Oxford, Anh)… Các bạn ấy còn đang rất trẻ nhưng đã có uy tín trong ngành. Toán học Việt Nam. Các bạn ấy vẫn thường xuyên về Việt Nam cộng tác.
Vấn đề còn lại của chúng ta là Toán ứng dụng. Lực lượng người Việt ở nước ngoài cũng có nhưng rất mỏng. Trong nước thì đào tạo toán ứng dụng hầu như chưa có. Nên khi thực hiện đề toán ứng dụng thì còn nhiều khúc mắc vì thực sự thiếu những người giỏi nghề.
Điều này có phải do chúng ta không có môi trường để phát triển toán ứng dụng không, thưa ông?
- Ở Mỹ, cử nhân toán học hầu như không có thất nghiệp. Thị trường lao động đòi hỏi ngày một nhiều kỹ năng xử lý dữ liệu. Còn thị trường lao động của Việt Nam dường như vẫn là thị trường lao động phổ thông. Tuy rất thiếu những người có vị trí chuyên môn rất cao nhưng lao động phân tích dữ liệu của Việt Nam chưa chú trọng. Cũng có thể ở Mỹ, không phải chỉ trả lời nhu cầu hiện tại mà họ luôn đi trước một bước. Họ sợ bị tụt hậu so với các nước khác.
Thưa ông, chúng ta có hướng nào để giải quyết bài toán này?
- Chúng ta đang thiếu nhất là lá cờ đầu trong toán ứng dụng. Lĩnh vực của tôi không phải là toán ứng dụng. Kỳ vọng năm sau khi GS Hồ Tú Bảo, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST về làm việc lâu dài tại Việt Nam sẽ lôi cuốn thêm nhiều người khác hoạt động trong lĩnh vực Toán ứng dụng về Việt Nam làm việc. Viện Toán học cao cấp Việt Nam cũng có kế hoạch thành lập trung tâm khoa học dữ liệu để kết nối các nhà Toán học ứng dụng trong nước và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông.
"Chúng ta có một lớp kế cận tài năng. Nếu tính về con số thì có thể thấy Toán học Việt Nam cao hơn nhiều so với những nước có nền giáo dục Đại học phát triển hơn Việt Nam như Singapore về các bài báo quốc tế". GS Ngô Bảo Châu |
Theo Nghiêm Huê/ Báo Tiền Phong