Riêng tại huyện Đồng Văn, 2 vụ ngộ độc xảy ra do ăn quả hồng châu và bánh trôi ngô khiến nhiều người mắc và tử vong. Riêng trong vụ việc ngộ độc do ăn bánh trôi ngô, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân. Những người này nhập viện trong tình trạng tổn thương gan, suy gan tối cấp tính, hôn mê gan, tiên lượng rất nặng...

W-cap-cuu-1.jpg
Trong 10 tháng, 50 người ở Hà Giang bị ngộ độc thực phẩm, có 6 ca tử vong. Ảnh minh họa: Hoàng Linh

Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đầu tháng 11 cho biết việc truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống ngộ độc thực phẩm ở địa phương này được đa dạng hóa hình thức. 

Trong đó, hướng dẫn truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa phát thanh của UBND xã, trạm y tế xã tại chợ phiên, buổi tiêm chủng hàng tuần, hàng tháng; cấp phát sổ tay kiến thức an toàn thực phẩm cho các trạm y tế xã để phát cho các thành viên trong ban chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, y tế thôn bản, học sinh.

Bên cạnh đó, tham gia phối hợp lồng ghép thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các nhóm hộ gia đình sinh sống gần rừng, có phong tục tập quán, thói quen sử dụng các loại rau, củ, quả rừng làm thực phẩm ăn uống hàng ngày...

Các cách xử trí ban đầu khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm và cách nhận biết, phòng tránh ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ đông người ăn... cũng được phổ biến hướng dẫn.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng các động, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc; không nên ăn các loại hoa, quả từ cây rừng, nấm mọc tự nhiên khi chưa xác định được nấm lành hay nấm độc; không nên sử dụng bột ngô để lâu ngày lên nấm men mốc...

Hoàng Linh