Lễ phát động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người và cao điểm tuyên truyền, truyền thông, cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2023 vừa được tỉnh Hà Giang tổ chức sáng 30/7 tại Quảng trường 26/3, TP Hà Giang.

Chương trình do Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh tổ chức.

Đến dự có ông Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Tình hình mua bán người tại Việt Nam diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo tại lễ phát động, những năm gần đây, tình hình mua bán người tại Việt Nam diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, khởi tố 88 vụ với 229 đối tượng, tăng 55 vụ và 154 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022. 

Các đối tượng thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook và sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage trong nước hoặc nước ngoài.

Thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của các đối tượng buôn người do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hạn chế về nhận thức. Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn khác nhau. Đối với người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiểu biết về pháp luật hạn chế, chúng thường dùng thủ đoạn hứa tìm việc làm với mức lương cao để dụ dỗ, đưa nạn nhân sang bên kia biên giới bán cho đối tác nhằm thực hiện hành vi bóc lột sức lao động, cưỡng ép hôn nhân...

Tại tỉnh Hà Giang, tình hình tội phạm mua bán người cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhu cầu công dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm cao, trình độ dân trí không đồng đều… là những điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người hoạt động, đặc biệt là mua bán người qua biên giới sang Trung Quốc. 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an trong toàn tỉnh đã phát hiện, khởi tố 2 vụ/5 bị can, xác định 5 nạn nhân bị mua bán.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, UBND các huyện thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người. Tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức cảnh giác của người dân trong công tác phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Lựa chọn những vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động nhằm răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội…

Tại lễ phát động, các đại biểu và các lực lượng tham gia đã hưởng ứng chia sẻ bài viết tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên trang Facebook cá nhân. Sau đó, các đại biểu và các lực lượng thực hiện diễu hành tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên một số tuyến đường tại thành phố Hà Giang.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Hà Giang thực hiện nhằm phòng, chống nạn buôn bán người. Khắc phục hạn chế trong thời gian qua như việc tuyên truyền có nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải, gần đây, tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức, nội dung thiết thực hơn. Lễ phát động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người là một cách tuyên truyền hiệu quả đến người dân. 

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV