Địa bàn vùng cao gặp khó

Chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, nhất là tạo thuận tiện cho cơ quan quản lý trong chi trả, thanh, quyết toán, đảm bảo nhanh chóng, công khai, thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, với đặc thù vùng cao, biên giới như Hà Giang và những thiếu thốn về nhân lực, vật lực, việc bao phủ thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều rào cản.

Bên cạnh đó, hầu hết các đối tượng nhận trợ cấp là trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, người yếu thế, dân tộc thiểu số (DTTS)... gặp khó khăn không nhỏ khi tiếp cận hình thức không dùng tiền mặt.

Cán bộ xã Phố Cáo (Đồng Văn) rà soát thông tin đối tượng bảo trợ xã hội.
Cán bộ xã Phố Cáo (Đồng Văn) rà soát thông tin đối tượng bảo trợ xã hội.

Đơn cử như trường hợp ông Vàng Chìa Dình, thôn Lán Xì A, xã Phố Cáo (Đồng Văn). Là đối tượng trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ông Dình được nhận hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.

Do tuổi cao, sức yếu nên không đến trung tâm huyện mở tài khoản, không am hiểu về công nghệ nên ông vẫn nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Những trường hợp như ông Dình tương đối phổ biến tại xã Phố Cáo, địa phương hiện có 237 đối tượng hưởng chế độ ASXH hàng tháng thì mới có 115 người nhận chi trả không dùng tiền mặt.

Nhiệm vụ này tiếp tục gặp khó bởi thực tế trên 90% đối tượng bảo trợ xã hội tại địa phương là người DTTS, trình độ dân trí của một bộ phận thấp, tỷ lệ phủ sóng di động, sóng iternet chưa cao ảnh hưởng đến giao dịch.

Theo nhiệm vụ UBND tỉnh giao, đến hết quý II. 2024 triển khai chi trả ASXH không dùng tiền mặt tối thiểu đạt 80% đối với các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang và tối thiểu đạt 60% ở các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê. Mặc dù chuẩn bị hết quý III, kết quả tại nhiều địa phương còn rất hạn chế. Cụ thể như huyện Bắc Mê thực hiện 431/4.499 đối tượng, chiếm 9,58%; Yên Minh 1.428/5.922 người, chiếm 24,11%; Đồng Văn 1.227/5.827 người, chiếm 21,06%...

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Trưởng Phòng Lao động, TB&XH huyện Đồng Văn chia sẻ: Phương thức chi trả không dùng tiền mặt phù hợp với các đối tượng cư trú trên địa bàn thành thị, nơi có các phòng giao dịch ngân hàng, các cây ATM, còn tại các địa phương vùng sâu, xa đây thật sự là bài toán khó.

Đồng bào DTTS không tránh khỏi “loay hoay” khi chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đăng ký dịch vụ mở thẻ, SMS Banking.

Có những đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người già không có người ủy quyền để thực hiện, thậm chí một số từ chối nhận chi trả không dùng tiền mặt.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) phổ biến chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) phổ biến chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng.

Thời gian qua, Bưu điện huyện Yên Minh phối hợp với Phòng Lao động, TB&XH huyện chi trả trợ cấp ASXH hàng tháng tại cộng đồng. Đồng chí Dương Thị Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện Yên Minh cho biết: Qua khảo sát, lấy ý kiến hầu hết đối tượng muốn nhận tiền mặt để thuận tiện chi tiêu nên chưa mở tài khoản.

Đơn vị đã phối hợp thu nhận hồ sơ tại 18 xã, thị trấn, tuy nhiên, trong tháng 8 chưa mở thêm tài khoản, nhiều đối tượng thay đổi số điện thoại, thông tin sai lệch dẫn đến không rút được tiền tại điểm Bưu điện văn hóa xã. Về trang thiết bị, hiện 7/18 điểm Bưu điện văn hóa xã chưa có máy tính nên chúng tôi chưa thực hiện chi trả qua tài khoản được.

Nỗ lực số hóa hoạt động chi trả

Tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 53.866 đối tượng hưởng ASXH hàng tháng tại cộng đồng. Trong đó, số đối tượng có tài khoản là 32.554, chiếm 64,43% nhưng thực tế người có nhu cầu chuyển tiền trợ cấp qua tài khoản chỉ chiếm 50,68%.

Thực hiện chỉ tiêu UBND tỉnh giao mới có thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần hoàn thành, các địa phương khác tỷ lệ đạt thấp.

Những số liệu trên cho thấy nhu cầu chi trả không dùng tiền mặt, nhất là đối tượng ở địa bàn vùng sâu, xa không lớn, còn tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới và an toàn khi sử dụng thanh toán trực tuyến.

Thực hiện các chỉ thị, chương trình của T.Ư về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước.

Đồng thời, phê duyệt phương án thực hiện chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt, tạo sự nhất quán, đồng bộ giải pháp trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, thống nhất quy trình chi trả, lựa chọn Bưu điện tỉnh với 199 điểm chi trả rộng khắp.

Các địa phương rà soát, cập nhật thông tin, phân loại các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Đề nghị ngân hàng cam kết miễn phí mở tài khoản và tất cả các khoản phí cho đối tượng nhận trợ cấp ASXH. Các huyện, thành phố triển khai làm sạch dữ liệu ASXH, đến nay đã cập nhật, xác thực được trên 99% đối tượng.

Nhằm tạo đồng thuận, tăng dần tỷ lệ người dân mở tài khoản tiếp nhận trợ cấp không dùng tiền mặt, các địa phương đang tích cực tuyên tuyền theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trong tuyên truyền, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản.

Đặc biệt, phát huy nòng cốt của Tổ công tác Đề án 06 các xã, thị trấn, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội thuận lợi, khẳng định quyền an sinh.

Các đối tượng có tài khoản nhưng chưa nhận trợ cấp qua tài khoản vận động đăng ký, trường hợp chưa có nhu cầu, chưa mong muốn đăng ký tiếp tục theo dõi, động viên thường xuyên.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số, nhận diện rõ những nguyên nhân, khó khăn thực tế, thời gian tới các cấp, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; kiên trì truyền thông thay đổi nhận thức của các đối tượng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết chính sách và chi trả ASXH…

Theo PHẠM HOAN (Báo Hà Giang)