Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, Hà Giang xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của đổi mới sáng tạo; là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ở đâu, tổ chức nào, địa phương, cá nhân nào thực hiện chuyển đổi số trước thì ở đó, tổ chức đó, địa phương, cá nhân đó sẽ có cơ hội bứt phá, vươn lên.

Trên tinh thần đó, Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu chuyển đổi số tạo ra giá trị tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động,…Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thành công việc chuyển đổi số của tỉnh.

Từ rất sớm, Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do đồng chí Bí thư tỉnh uỷ làm trưởng ban; Thành lập Ban điều hành chuyển đổi số và 7 Tổ công tác triển khai chuyển đổi số.

Với quan điểm chuyển đổi số cần thực hiện trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. 

Đối với chính quyền số, tỉnh Hà Giang đã từng bước hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin với tỷ lệ phủ sóng di động đạt 98,5%. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã có mạng LAN và kết nối Internet.

Hoàn thành và duy trì mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cấp băng thông với quy mô triển khai 236 điểm, trong đó có 43 điểm là các sở, ban, ngành, huyện uỷ, thành uỷ, UBND các huyện, thành phố; 193 điểm xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh được triển khai với quy mô 241 điểm cầu từ cấp tỉnh kết nối đến các xã. 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Bên cạnh đó, thực hiện đầu tư Trục chia sẻ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia. Triển khai Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh được tập trung hoàn thiện, trong 6 tháng đầu năm, triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (VNPT iGate) kết nối với CSDL Quốc gia về dân cư để tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin của công dân theo nội dung triển khai Đề án 06.

Toàn tỉnh có 1.977 TTHC có hiệu lực được áp dụng (1.583 thủ tục cấp tỉnh, 235 thủ tục cấp huyện, 159 thủ tục cấp xã). Thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 557 thủ tục; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.837 thủ tục (672 dịch vụ công toàn trình, 1.165 dịch vụ công một phần). Toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý 589.671 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC (566.831 hồ sơ tiếp nhận trong kỳ, 17.229 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang).

Nguyễn Huế, Thạch Thảo, Hữu Hải và nhóm BTV