Hạ lãi suất đang được hy vọng giúp các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, mở đầu ra cho nguồn vốn ứ của các ngân hàng. Tuy nhiên, với tình hình sản xuất hiện nay, lãi suất hạ chưa chắc đã đẩy được tiền tồn kho ra thị trường.
Hạ trần lãi suất huy động về 7,5% một năm
Lãi suất hạ, tiền về đâu?
Đồng loạt hạ lãi suất huy động
Một ngày sau quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mai đã rầm rộ đưa lãi suất hạ xuống. Việc hạ lãi suất trần lãi suất trong điều kiện lạm phát hạ được xem là bước đi tất yếu. Những sự tất yếu hơn nằm ở chính các ngân hàng khi tín dụng tăng thấp, tiền ứ đầu ra.
Phân tích từ các chuyên gia tài chính đều cho rằng, để nguồn vốn hấp thụ được cho sản xuất thì lãi suất phải về từ 8-11%/năm. Trong lộ trình đó, đến cuối năm 2013 lãi suất cho vay về 11-12%/năm là hợp lý. Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 7%/năm xuống 6%/năm để giúp cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ hơn. Như vậy, ngân hàng mới có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Hơn thế, đây là bước đi cần thiết để tạo tiền đề cho xử lý nợ xấu cũng như để giảm lãi suất cho vay.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc hạ 0,5% lãi suất tiền gửi có thể giúp lãi suất cho vay giảm 1-2%/năm. Tuy nhiên, hạ lãi suất cũng quan trọng nhưng chưa đủ để giúp doanh nghiệp yếu kém vực dậy. Nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, không có tài sản thế chấp, hàng tồn kho chất cao.
Mong đợi lớn nhất của DN hiện nay là tiếp tục giảm lãi suất. Dù hiện nay, lãi suất đã được các ngân hàng đưa về mức 12- 14%. Tuy nhiên, theo các DN lãi suất về mức 10% thì DN mới có khả năng làm ăn có lãi.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, lãi suất cho vay cao sẽ là rào cản lớn đối với các DN nên không thể đưa nguồn vốn ra thị trường. Để giải quyết vấn đề này, trước hết là phải giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, có thể kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1% - 2%, vào khoảng 13% - 14%/năm. Đồng thời tăng sức cầu vốn. Để làm được việc này phải cần giải pháp dài hạn hơn và phụ thuộc tiến trình xử lý nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho bất động sản và các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ông Đoàn Trọng Lý – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) đề nghị cần hạ ngay lãi suất xuống dưới 10%” ngay trong quý 3 năm 2013, để doanh nghiệp kịp thời đối mặt với những khó khăn của thị trường trong năm 2014.
Lãi thấp chưa chắc tăng được tín dụng
Thông báo mới nhất từ NHNN, tính đến 21/3, tính đến ngày 21/3/2013, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc với mức tăng 0,31% so với cuối tháng trước; và tăng 0,03% so với 31/12/2012.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM thừa nhận, hiện nay vốn tại các ngân hàng đang ứ đọng, nhưng không thể đẩy mạnh cho vay, buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất vay
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, dù lãi suất huy động ngắn hạn giảm còn 7% - 7,5%/năm, huy động dài hạn còn 10% - 11%/năm so với mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 là dưới 7%, kênh gửi tiết kiệm vẫn là kênh đảm bảo an toàn về vốn.
Ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, phân tích: “NH Nhà nước giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 7,5% là hợp lý. Người gửi tiền đã có được lãi suất thực dương bởi lạm phát tính theo năm (từ tháng 3-2012 đến tháng 3-2013) của nước ta đang ở mức 6,6%. Đây là cơ sở để các NH thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Trường hợp lạm phát trong thời gian tới được kiểm soát tốt thì nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ xuống còn 7%/năm. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ ở mức 10%/năm.
Tuy nhiên, theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, việc giảm lãi suất sẽ tác động không nhiều đến thị trường bởi vấn đề hiện nay là DN không tiêu thụ được hàng hóa nên không dám vay vốn hoặc NH không dám cho vay vì DN còn vướng nợ cũ.
Vấn đề cốt lõi là Nhà nước phải sớm giải quyết được nợ xấu bất động sản, giải phóng hàng tồn kho, tạo thêm công ăn việc làm thì DN mới dám đầu tư sản xuất, mạnh dạn tiếp cận vốn vay làm cho tín dụng NH tăng lên.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhiều năm qua, DN gặp khó khăn một phần do lãi suất vay vốn quá cao. Nay NH Nhà nước giảm lãi suất là để giảm bớt chi phí cho DN. Tuy nhiên, thời điểm này, lãi suất chỉ là thứ yếu bởi nhiều tháng trước, một số NH đã cho vay với lãi suất 9%-10%/năm nhưng DN hết sức dè dặt.
Khi hàng hóa của DN khó tiêu thụ tức nhu cầu vốn của nền kinh tế suy giảm, trong khi nguồn vốn đầu vào của các NH lại không ngừng tăng lên. Trước tình hình đó, các NH rất muốn mở rộng đầu ra nhưng không có mấy khách vay nên buộc phải cho vay trên thị trường liên NH với lãi suất 3%-4%/năm để giảm lỗ.
Vì thế, ông Phước đề xuất Nhà nước nên dồn sức vào các biện pháp hỗ trợ sức cầu cho nền kinh tế, tạo ra sự luân chuyển thông thoáng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sản xuất… Khi đó, thị trường sẽ có nhu cầu vay vốn, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên, thúc đẩy kinh tế phát triển.\
Việc dòng tiền chỉ có đi vào mà không dám cho vay khiến các ngân hàng khổ sở về các khoản chi phí đầu vào. Do đó các nhà băng vẫn phải vật lộn với bài toán dư thừa tiền. Trong kkhi đó, hai kênh đầu tư phổ biến còn lại là chứng khoán và vàng cũng chưa thể nói là kênh đầu tư tốt nhất hiện nay. Trong thời điểm mà người dân và các nhà đầu tư vẫn loay hoay tìm kênh đầu tư sinh lời thì tiết kiệm trở thành nới trú ẩn an toàn. Vì thế, mấu chốt để giải bài toán này là lấy lại niềm tin từ phía người dân để thay vì găm tiền trong ngân hàng.
Phó Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, sau giảm lãi suất, thị trường cần sự khai thông của dòng vốn. Thị trường vẫn cần một sự chuyển đổi quan trọng khác đó là sự khai thông của dòng vốn. Một dòng vốn đều đặn, hiệu quả được chảy vào nền kinh tế là những kỳ vọng tiếp theo trong thời gian tới.
Minh Linh