- Một hãng tàu tại Hạ Long vừa kêu gọi các đối tác lữ hành phản ánh lên Tổng cục Du lịch việc Quảng Ninh áp mức giá mới tăng gần 100% với dịch vụ vận chuyển khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh (làm căn cứ tính thuế, chống thất thoát nguồn thu)?
Đi du lịch bị 'giam lỏng'
Việt Nam mất 2 tỷ USD/năm đi du lịch nước ngoài
Các công ty du lịch, hãng lữ hành lo ngại mức giá phổ biến mới sẽ gây khó khăn rất lớn đối với những hãng tàu quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh đứng đắn. Chưa kể, giá dịch vụ tại Hạ Long liên tục tăng cao dễ tác động xấu tới uy tín và sức cạnh tranh của điểm đến.
Giá quy định khác xa thực tế
Theo thông báo của Sở Tài chính, trong bốn tháng 9-12/2012 (mùa cao điểm khách quốc tế), giới chủ tàu đạt tiêu chuẩn quy định phải kê khai giá dịch vụ vận chuyển khách thăm vịnh theo hợp đồng chuyến nằm trong khung: Tàu 20-35 ghế từ 300.000-400.000 đồng/giờ, 36-48 ghế là 400.000-500.000 đồng. Tàu hạng ba là 500.000-600.000/giờ và hạng hai là 600.000-700.000 đồng. Trong ngày cuối tuần, dịp lễ, mùa du lịch, chủ tàu được phép tăng không quá 30% các mức giá trên song phải công khai trên tàu và các phương tiện truyền thông của bến tàu khách.
Còn giá trọn gói ăn nghỉ qua đêm trên vịnh (tính theo số lượng khách thực tế) đối với tàu ngủ đêm loại 4 từ 700.000 - dưới 1,5 triệu đồng/24giờ/khách, loại 3 từ 1,5 - dưới 2,5 triệu, loại 2 từ 2,5 triệu - dưới 4 triệu, loại 1 là 4 triệu. Sở Tài chính sẽ thông báo các mức giá dịch vụ trên trước ngày 25 tháng cuối của mỗi quý (công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin của tỉnh), cho phù hợp thực tế trên vịnh Hạ Long.
Trong khi đó, đại diện Công ty Du lịch và cảm xúc Hạ Long cho biết giá tour trọn gói hai ngày một đêm trên tàu ngủ đêm loại 2 chỉ dao động trong mức 1,4-1,8 triệu đồng/khách.
Phó giám đốc Công ty Đầu tư thương mại và dịch vụ du lịch Bài Thơ, ông Nguyễn Anh Đức, phàn nàn do nhiều thị trường trọng điểm gửi khách vào Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế, nên hãng tàu này ký hợp đồng với một số doanh nghiệp lữ hành đều đặn gửi khách quốc tế số lượng lớn 250.000-300.000 đồng/giờ tàu trên 40 ghế; trọn gói hai ngày một đêm trên tàu loại 3 chỉ 1,3-1,4 triệu đồng/khách...
Có vừa túi tiền khách Việt? Sở Tài chính áp giá vé khứ hồi đồng hạng cho hành khách lẻ đi tuyến 1 (cảng tàu - công viên vạn cảnh) giá 100.000 đồng/khách, tuyến 2 (cảng tàu - công viên các hang động) 150.000 đồng/khách. Riêng vé ba tuyến 3 (cảng tàu - trung tâm bảo tồn văn hóa biển), tuyến 4 (cảng tàu - trung tâm giải trí biển), tuyến 5 (cảng tàu - bến Gia Luận) cùng có giá 300.000 đồng/khách, khá cao so với khách nội địa. |
Đại diện chi nhánh Công ty Du lịch Việt tại Hà Nội xác nhận đang thuê tàu 20-48 ghế chở khách nội địa thăm vịnh giá 200.000-250.000 đồng/giờ. Ông P.L đang sở hữu hai tàu ngủ đêm loại 3 bức xúc nhận xét mức giá phổ biến mới có lẽ chỉ phù hợp với những hãng tàu bán trực tiếp được cho khách. Song 80-90% nhà tàu ngủ đêm ở Hạ Long phải nhận khách từ lữ hành, hoặc cho doanh nghiệp du lịch thuê lại tàu.
E ngại khách bỏ điểm đến
Giám đốc Asiana Travel Trịnh Việt Dũng bực bội kể rằng, đối tác tàu ở Hạ Long vừa báo tăng thêm 50.000-150.000 đồng/giờ (lên thành 350.000-500.000 đồng/giờ), không giải thích rõ lý do. Song, lữ hành không thể tăng giá tour giữa chừng do đã báo xong giá của cả năm 2013 cho đối tác châu Âu rồi, đành "nghiến răng" giảm tiếp lợi nhuận dù đã sụt xuống rất thấp!
"Sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh đột ngột tăng mạnh giá vé tham quan vịnh Hạ Long từ cuối năm ngoái, đến nay đối tác tàu đã tăng 80-140% giá chở khách theo giờ. Nếu tăng giá hợp lý, lữ hành vẫn chấp nhận song phải báo trước ít nhất 1 năm", ông Dũng ngao ngán.
Hoàn toàn thấu hiểu khó khăn của lữ hành, ông Nguyễn Anh Đức cho biết vẫn phải dự kiến tăng giá ngủ đêm 10-15% để bù cho chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, việc các hãng lữ hành lớn có chấp nhận hay không là chuyện khác, nên rất mong các bên cùng đàm phán chia sẻ khó khăn chung.
Ông Đức kể, năm ngoái Bài Thơ ký hợp đồng trực tiếp với một hãng lữ hành Mỹ giá 65 USD/khách ngủ đêm trên vịnh Hạ Long. Sau đó do chi phí đầu vào liên tục tăng mạnh, công ty cực chẳng đã phải đề nghị tăng thêm 5 USD/khách mà chủ hãng đã đùng đùng bay sang Việt Nam, đòi sau một năm nữa mới được tăng giá. Họ cho biết đã báo khách hàng giá tour trọn gói vào Việt Nam theo mức giá ngủ đêm cũ rồi, nay tăng đồng nào lữ hành thiệt đồng đó! Sau nhiều tranh cãi (phía Mỹ còn thuê luật sư định khởi kiện Bài Thơ), hai bên xuống thang "cưa đôi" rủi ro: Chỉ tăng 2,5 USD/khách!
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang hết sức lo ngại tư duy quản lý sau khi vịnh Hạ Long được tổ chức New Open World công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. "Đối với khách du lịch quốc tế, vịnh Hạ Long chưa phải điểm đến không tới là 'chết nửa đời người đâu'!". Từng tham dự một số hội chợ du lịch quốc tế tại Pháp và Úc, ông Đức mới thấy hết khó khăn trong cạnh tranh giữa các điểm đến. Tour bảy ngày của lữ hành Việt Nam chào đắt hơn chương trình tương tự của Thái Lan chỉ 30 USD, khách sẵn sàng chọn Thái Lan!
Theo quan điểm của ông Trịnh Việt Dũng, trước khi ban hành chính sách khiến giá dịch vụ tăng thêm, mỗi địa phương cần tính toán sao cho hài hòa với lợi ích quốc gia vì còn rất nhiều thành phần kinh tế - xã hội hưởng lợi từ du lịch. Hoặc tăng nguồn thu cho ngân sách bằng đa dạng hóa dịch vụ, chứ không nhất thiết cứ phải tăng thuế - giá...
Nạn nhân của duy ý chí Tôi mới thăm lại Hạ Long kể từ khi UBND tỉnh bắt buộc tàu du lịch trên vịnh phải đồng loạt sơn trắng bên ngoài vỏ từ mớn nước trở lên. Đội tàu du lịch màu nâu, trắng, đen, vàng đầy màu sắc trên mặt biển xanh trước đây nay được thay thế bằng toàn một màu trắng nhạt nhòa, lạnh lẽo. Trước đó, rất nhiều chủ tàu (và cả lữ hành) phản đối quyết liệt song vẫn phải miễn cưỡng thực thi, nên nay nhiều tàu sơn trắng chỉ để đối phó. Vả lại, kinh phí bảo dưỡng vỏ tàu màu trắng tốn kém rất nhiều so với màu nâu, đen, vàng. Sau một thời gian ngắn, nhiều tàu trở nên vàng ố, xỉn màu trông rất phản cảm giữa vùng trời nước - đảo đá đẹp tuyệt vời. Còn chúng tôi trở thành nạn nhân của màu trắng ố xỉn, bởi mới đây, một đoàn khách quốc tế thăm vịnh khẳng định tàu chở khách đã sử dụng 20 năm chứ không phải 2 năm như trong đăng kiểm. Cuối cùng, lữ hành phải bồi thường một số tiền thì khách mới chịu. (GĐ Công ty Thương mại dịch vụ du lịch Xuân Nam (TP.HCM) Phạm Văn Du |
Bài, ảnh: Tiến Ngân