Tỉnh Hà Nam hướng đến mục tiêu xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả, phấn đấu là tỉnh có nền kinh tế phát triển bền vững. Theo đó, Hà Nam xây dựng nông thôn phát triển, kết cấu hạ tầng hiện đại, dân chủ được phát huy, bản sắc văn hóa được giữ vững, môi trường bảo đảm, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò chủ thể của người dân, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân; thực hiện tốt quan điểm "dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ", từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, thụ động trong triển khai thực hiện. Ða dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng thời kỳ, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng.

{keywords}
Hà Nam xác định, nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

Tổng nguồn vốn tỉnh Hà Nam đã huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là hơn 14.633 tỷ đồng, bình quân một năm huy động từ các nguồn cho Chương trình được xấp xỉ 1.626 tỷ đồng.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã công nhận 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% số xã, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 50% số xã) và Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; còn 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục đang hoàn thiện một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện và phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành 9/9 tiêu chí và đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.

Với phương châm chọn điểm mang tính đột phá theo hướng dễ làm trước, khó làm sau và có lộ trình cụ thể để tạo động lực thực hiện.

Ngay từ những năm đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam đã tập trung cao cho công tác xây dựng quy hoạch. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề và phải đi trước một bước trong thực hiện xây dựng NTM. Năm 2010, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và ban hành cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng quy hoạch NTM với mức hỗ trợ 120 triệu đồng/xã.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại được hoàn thiện, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư hướng đến đồng bộ hơn, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về không gian, thu nhập, mức sống.

Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xây dựng NTM được tỉnh Hà Nam ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 10 năm thực hiện Chương trình, bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực từ ngân sách của Trung ương, của địa phương và lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu trên địa bàn, đặc biệt là sự tham gia đóng góp ngày công, hiện vật của nhân dân, đến nay Hà Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình thiết yếu. Rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ở Hà Nam được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Từ những năm đầu thực hiện, Hà Nam đã phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân dồn sức làm đường giao thông nông thôn với các chỉ đạo cụ thể. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-8-2011 về phát triển giao thông đường bộ tỉnh Hà Nam đến năm 2015;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 15/2011/QÐ-UBND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, theo đó tỉnh đã hỗ trợ hơn 318.000 tấn xi-măng để đổ bê-tông được hơn 1.900 km đường giao thông thôn, xóm; 500 km đường trục xã; hỗ trợ đá cấp phối để cứng hóa hơn 1.000 km đường trục chính nội đồng. Các địa phương đã tập trung kiên cố được hơn 100 km và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai tại chỗ.

Trong xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam xác định, nông nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trọng tâm phát triển trong thời gian tới; đồng thời tỉnh cũng luôn khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ðây là một trong những nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo bằng việc ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 8-4-2016 về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể gắn với các đề án, mô hình phát triển sản xuất, xây dựng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Hà Nam đặt mục tiêu, hết năm 2020 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 0,65%; các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí NTM bảo đảm bền vững.

Bài: Nguyễn Thị Vân Anh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV