Cách đây không lâu, ban  ngành chức năng ở Hà Nội tiếp thu ý kiến của cơ quan thông tin đại chúng, về tổ chức giao thông đường Láng hợp lý hơn. Cụ thể, điều chỉnh lại vị trí các “khoảng trống” dải phân cách giữa, đã góp phần hạn chế ùn tắc giao thông (đường Láng).

Gần đây hơn, tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy được mở rộng mặt đường từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Đồng thời, cũng điều chỉnh lại vị trí “khoảng trống” dải phân cách giữa, đã có tác dụng giảm thiểu ùn tắc giao thông ngã ba đường Hoàng Quốc Việt-Phùng Chí Kiên…

Và bây giờ, Hà Nội đang thí điểm dùng dải phân cách, tách các làn xe 4 bánh không lưu hành hỗn hợp-không đi chung với các làn xe 2 bánh trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Thí điểm này có thể thành công, nếu “khả năng thông xe” của mặt đường, đáp ứng được mật độ lưu lượng xe; vị trí, cự ly các “khoảng trống” dải phân cách hợp lý...

Đặc biệt, Sở  GTVT Hà Nội đang đề xuất cho một số loại xe, trong đó có xe buýt thường được đi vào làn xe BRT. Đề xuất này đã gây ra nhiều tranh cãi như bài viết "Chuyên gia phản đối đề xuất mới của Hà Nội về làn BRT" của VietNamNet.

Thực tế triển khai 4 năm qua, tôi cho rằng, dự án đầu tư xe buýt nhanh-BRT ở Hà Nội, thực chất là một dự án “ép duyên”, hấp tấp, “học đòi” mấy nước phát triển. Các nước có nhiều các đường phố rộng từ 8 đến 12 làn xe trở lên, mới có thể dành riêng ra 2 làn xe (1 làn của chiều đi, 1 làn của chiều về) cho xe buýt nhanh-BRT. Đằng này, Hà Nội có đường Giảng Võ… rộng 6 làn xe, thậm chí có phố chỉ rộng 4 làn xe, mà cũng duy ý chí-dành ra 2 làn xe BRT. Thế nên, công luận đã phải “lên tiếng”… Và dẫn đến việc đề xuất này, cũng là một “nhân, quả”.   

Làn BRT thông thoáng trong khi các làn còn lại ùn tắc  (ảnh: Đình Hiếu)

Tuy nhiên tôi cho rằng, nếu cho xe buýt thường được đi vào làn xe buýt nhanh-BRT, sẽ bất hợp lý, hay có thể nói là thất sách. Lý do là làn xe BRT thiết kế ở trong cùng (sát dải phân cách giữa, hoặc sát tim đường); kèm theo những điểm dừng xe (BRT) ở bên trái, áp sát những “nhà ga” tọa lạc giữa đường, thuận theo thiết kế; trong khi đó, những điểm dừng đón trả khách xe buýt thường, lại ở bên phải, sát vỉa hè đường phố.

Do đó, nếu cho xe buýt thường đi vào làn xe BRT thì mỗi khi đến các điểm dừng xe buýt thường, sẽ phải thực hiện chuyển từ làn trong cùng ra làn ngoài cùng dẫn đến những điểm nhập làn xe, gây cản trở dòng xe vào các giờ cao điểm. Hậu quả sẽ gây ra tắc đường kéo dài (giờ cao điểm). Có người đưa ra giải pháp: nếu thế các tài xế (xe buýt thường), sẽ chủ động chuyển làn xe từ xa các điểm dừng đón trả khách…

Nhưng như vậy thì việc cho xe buýt thường được đi vào làn xe BRT là vô nghĩa. Vì xe buýt thường sẽ phải mau mau, chóng chóng chuyển dần làn rất sớm ra khỏi làn BRT, để hạn chế tắc đường, “cập bến” dừng xe đón trả khách ở làn ngoài cùng…

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu cho loại phương tiện như xe buýt thường được đi vào làn xe BRT ở trong cùng, là thất sách.

Độc giả  Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Ảnh: