- Sáng 25/2, UBND TP Hà Nội đã thống nhất phương án chữa trị cho cụ rùa Hồ Gươm. Điều đặc biệt, ngay sau đó, cụ rùa đã nổi.


Trao đổi với báo chí ngay sau khi cuộc họp chốt phương án kết thúc, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết: Sẽ tiến hành đưa cụ lên chân Tháp Rùa để tìm hiểu vết thương, khám chữa bệnh.

Việc tiến hành cứu chữa vết thương cho cụ rùa Hồ Gươm được tiến hành tại chỗ chứ không di dời đi bất kỳ khu vực nào khác ngoài Hồ Gươm.

Để tiếp cận cụ rùa, sẽ sử dụng những phương án phù hợp với tập tính của cụ và đặc điểm của Hồ Gươm. Một là sẽ đợi khi cụ nổi lên để tiến hành "bắt"; thứ hai, sẽ sử dụng đặt lưới chìm ở những khu vực mà cụ thường xuyên nổi lên như khu vực nhà hàng Thủy Tạ, khu vực Hàng Khay…

Sẽ đưa cụ rùa lên bờ chữa trị - Ảnh: Hoàng Long

Cải tạo chân Tháp Rùa để lấy chỗ cụ di chuyển lên phơi nắng, nghỉ ngơi cũng là việc sẽ tiến hành ngay. Hiện tại, với phương án chốt này, việc "bắt" cụ rùa để đưa cụ lên Chân Tháp cứu chữa sẽ được tiến hành ngay từ hôm nay (25/2), khi cụ nổi lên sẽ tiến hành "bắt". 

Cùng với đó là việc cải tạo môi trường Hồ Gươm đã bị ô nhiễm trong thời gian dài. Tuy nhiên, sẽ tiến hành cải tạo, nạo vét Hồ Gươm theo lộ trình chứ không thể tiến hành gấp gáp.

Điều cốt yếu trong cuộc họp của lãnh đạo UBND TP sáng nay với Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu cụ rùa Hồ Gươm là việc cứu chữa sức khỏe cụ rùa trước tiên, sau đó mới tiến hành cải tạo môi trường Hồ Gươm. PGS.TS Hà Đình Đức là chuyên gia duy nhất được mời tham dự cuộc họp chốt phương án này.

Một Hội đồng gồm các bác sỹ thú y, các chuyên gia thủy sản, các nhà sinh học… để chữa trị vết thương cụ rùa cũng sẽ được thành lập. Các chuyên gia đánh bắt thủy sản sẽ phối hợp với PGS.TS Hà Đình Đức – người có nhiều thời gian nghiên cứu, hiểu được đặc tính, thói quen của cụ rùa và hiểu sâu những đặc điểm của Hồ Gươm.

Trao đổi với báo chí ngay sau khi hội thảo kết thúc, ông Hà Đình Đức cho biết: Đây là hội thảo duy nhất từ trước đến nay ông cảm thấy hài lòng. Lý do: Ông được phát biểu tất cả các ý kiến của mình. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đều đồng thuận và nhất trí tất cả các ý kiến, phương án mà PGS.TS Hà Đình Đức đề xuất.

Ông Đức cho hay: “Việc chốt phương án cứu cụ rùa là điều cần thiết hơn tất cả các hội thảo, vì sức khỏe cụ rùa tính đến thời điểm này đã báo động nguy cấp. Cụ không thể chờ đợi hội thảo mãi. Hơn nữa, trong buổi hội thảo sang 15/2 vừa qua tại Sở KH-CN, nhiều ý kiến, phương án đưa ra quá loãng và không khả thi, không phù hợp với đặc tính của cụ rùa và đặc điểm của Hồ Gươm.

Ông Đức cũng rất phản đối các phương án như dùng trực thăng để đưa cụ rùa ra khỏi Hồ Gươm, phương án đưa cụ xuống bể bơi Mỹ Đình… hay những phương án thiết kế bẫy bắt rùa tai đỏ…

“Những vấn đề đó, theo tôi là viển vông. Mấu chốt của vấn đề là sức khỏe cụ rùa cần được cứu chữa ngay lập tức. Việc bắt và đưa cụ rùa lên chân Tháp Rùa là việc phải triển khai ngay lập tức” – ông Đức cho biết. 

HTML clipboard

Điều đặc biệt, khoảng 10h sáng 25/2, khi cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu chữa cụ rùa tại UBND TP Hà Nội kết thúc, cụ rùa lại nổi.

Địa điểm cụ rùa nổi ở khu vực mé hồ gần đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện với tượng đài Lý Thái Tổ và cũng gần với trụ sở UBND TP.

Hàng trăm người dân Hà Nội đã không bỏ qua sự kiện này. Một người dân cho biết: cụ nổi lên khoảng 1 – 2 phút, cụ nhô đầu lên một lần rồi lại lặn xuống. Đầu cụ hướng về phía tượng đài Lý Thái Tổ. 

Vì cụ chỉ nhô đầu lên và sau đó lại ngụp xuống luôn nên nhiều người đã không kịp chụp ảnh.

Trước đó, ngay sau khi hội thảo đầu tiên bàn về phương án cứu cụ rùa vào ngày 15/2 do Sở KH-CN Hà Nội chủ trì, sáng ngày 16/2, cụ rùa đã nổi lên với nhiều vết thương trên người. 


Kiên Trung

Bạn nghĩ thế nào về phương án chữa trị này? Hãy gửi ý kiến về banxahoi@vietnamnet.vn