Tại hội thảo chiều 25/11, với chủ đề “Chuyển đổi số - xây dựng quận Bắc Từ Liêm thông minh phát triển xứng tầm”, nhiều giải pháp được các nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ nhằm giúp quận sớm hiện thực hóa mục tiêu này.

z6067592300645_ae00e4feed6df6191b5cfb5df4399d8b.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hiền Phương

Những giải pháp khả thi

Chủ trương chuyển đổi số, xây dựng quận thông minh đang được quận Bắc Từ Liêm đẩy mạnh trên các lĩnh vực dựa trên 3 nền tảng: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, theo Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà, thách thức lớn nhất của quận hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực còn thiếu; việc khai thác dữ liệu số trên nền tảng số quốc gia còn nhiều vướng mắc; các vấn đề liên quan đến pháp lý còn chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực…

z6067591773290_e8103e53a38dbbdbfcf2c383ba477670.jpg
Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hiền Phương

Vì vậy, lãnh đạo quận mong muốn tìm được các mô hình, giải pháp chuyển đổi số, xây dựng quận thông minh, định hướng đến năm 2045, tận dụng những lợi thế, tiềm năng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Cảm nhận rõ mong muốn của lãnh đạo quận, các nhà khoa học chia sẻ và gợi mở cho Bắc Từ Liêm những giải pháp khả thi.

Trong đó, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, việc quận cần quan tâm làm ngay đó là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; phát triển các dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chính phủ điện tử; đào tạo nguồn nhân lực; tham gia các chương trình hợp tác; truyền thông và nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân

z6067592397761_2896f3b7090d9ee9aa672efbcfb49427.jpg
PGS.TS Bùi Quang Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hiền Phương

Trong khi đó, PGS.TS Đoàn Kim Đồng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn đề xuất, quận Bắc Từ Liêm cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về xã hội (dân số, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thư viện truyền thống…).

Đặc biệt, quận xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng bảo tàng ảo… nhằm phát huy lợi thế là địa phương có nhiều di tích lịch sử đã được Nhà nước công nhận, đẩy mạnh phát triển du lịch và phát triển văn hóa.

Khẳng định là quận có thế mạnh trong chuyển đổi số bởi có khu công nghệ cao sinh học và nhiều trường đại học đứng chân trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, quận nên tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai giải pháp an ninh mạng, phát triển nền tảng công nghệ cho dịch vụ công.

Về phần mình, Tập đoàn công nghệ CMC sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn trong công tác chuyển đổi số, trong đó, lấy AI làm trọng tâm, đưa Bắc Từ Liêm là quận AI đầu tiên của thành phố.

Người dân là trung tâm của chuyển đổi số

z6067592859523_7ebed48ad249bd5f18cca9d8fcd5ca54.jpg
Thượng tá, PGS.TS Trần Thị Hoa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hiền Phương

Đứng trên góc độ của cơ quan quản lý, Thượng tá, PGS.TS Trần Thị Hoa, Phó Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho rằng, tiếp tục thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ, lực lượng công an các phường phải tiên phong thực hiện, chủ động nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Dưới góc độ của người làm chuyên môn, chia sẻ về thực tiễn trong quá trình quản lý dân cư tại địa bàn, Đại tá Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, đề xuất, trước tiên là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thấy chuyển đổi số thực sự cần thiết.

Cùng với đó, quận tiếp tục lắp camera an ninh và thành lập trung tâm thông tin để quản lý hiệu quả hơn nữa việc phòng, chống tội phạm, đặc biệt khi quá trình số hoá ngày càng mạnh mẽ…

"Xác định chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm sẽ lấy người dân làm trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số, bởi chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng và được thụ hưởng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hằng ngày thì chuyển đổi số mới thành công”, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà khẳng định.

Cùng với đó, các giải pháp để xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính thông minh; định hướng về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; về kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế của quận; các giải pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin truyền thông… để hình thành xã hội số mà các ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo sẽ được quận nghiên cứu, tiếp thu để thực hiện trong thời gian tới.

Theo Nguyên Hoa (Báo Hànộimới)