Nghề "mua của người chán, bán cho người cần"
Những ngày giữa tháng 3, trên con phố Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), những cửa hàng đồ gỗ cũ đã mọc lên san sát. Nơi đây, tiếng đục và tiếng cưa nhộn nhịp suốt ngày.
Chia sẻ với PV về công việc, anh Nguyễn Văn Đông, trú tại Ngọc Trục (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ một cửa hàng nơi đây, cho hay: "Trước đây tôi đi làm nghề lắp ráp cửa mới. Nhiều gia đình bỏ đi những cánh cửa cũ, thấy còn tốt, tôi mua lại về bán cho những gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp hơn. Dần dần, tôi chuyển hẳn sang làm nghề này".
Bên trong cửa hàng, không biển hiệu, dài rộng và thiếu ánh sáng, hàng chục bộ cửa gỗ cũ xếp san sát chật kín cả lối đi. Những món đồ với đủ kích cỡ được anh Nguyễn Văn Đông mua về từ khắp nơi, có những món đồ chỉ vài trăm nghìn đồng đến giá vài chục triệu đồng.
"Để có nguồn hàng thường xuyên, tôi kết nối với hàng chục nhóm thợ phá dỡ nhà cửa, cửu vạn khắp các tỉnh miền Bắc" - người đàn ông có 15 năm làm nghề này chia sẻ.
Những món đồ được anh mua về, đều là những loại gỗ tốt như đinh, lim, dổi, táu. Cánh cửa sau khi được anh Nguyễn Văn Đông tháo dỡ, mang về sẽ được sơn, sửa lại sao cho đẹp mắt rồi bày bán. Cũng không ít món đồ, còn mới và đẹp anh bán trao tay ngay.
Theo anh Nguyễn Văn Đông, bí quyết để làm nghề chính là xác định loại gỗ. Mỗi một loại gỗ có đặc điểm vân, màu sắc sẽ có giá thành khác nhau. Để làm được điều này, người thợ phải tự rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần mua gỗ và từ thế hệ đi trước truyền lại.
Theo anh, Nguyễn Văn Đông, thường giá mà chủ xưởng chào hàng bao giờ cũng bằng hoặc thấp hơn một nửa giá trị thật. Nhưng cái giá ấy vẫn được chấp nhận, vì tâm lý người xây nhà ai cũng muốn lắp đồ mới.
"Có những bộ cửa tôi mua về xong phải bỏ đi vì là gỗ không tốt. Nhưng cũng có những món đồ mua về bán qua tay cũng lãi vài triệu đồng, hay nhiều món đồ cũ nát về tân trang như mới, nhìn rất tâm đắc" - anh Nguyễn Văn Đông cho hay.
Cách cửa hàng nhà anh Đông mấy trăm mét, chị Nguyễn Thị Bích trú tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đang "tút tát" lại một cánh cửa làm từ gỗ gõ. Thoạt nhìn, ít ai biết được những cánh cửa này đã được sử dụng hàng chục năm qua và được "biến hóa" thành những cánh cửa mới chỉ cách đây vài ngày.
"Làm nghề này thì quanh năm không bao giờ hết việc, tôi ở nhà bán hàng rồi làm mới, còn chồng và 3 người thợ thì đi tháo dỡ. Doanh thu từ nghề này thì phụ thuộc theo ngày, có hôm chẳng bán được món đồ gì, có những hôm cửa hàng nhà tôi bán hàng trăm triệu tiền hàng" - chị Nguyễn Thị Bích cho hay.
Theo chị Nguyễn Thị Bích, làm nghề này phải thật khéo léo đưa những cánh cửa gỗ cũ trở lại tình trạng hoàn hảo nhất. Có những cánh cửa làm bằng gỗ quý, chị dành cả tuần để tân trang.
Đồ cũ tốt hơn đồ mới?
Từng có xưởng sản xuất đồ gỗ ở quê, anh Nguyễn Văn Ga quê ở Lý Nhân (Hà Nam) lại bén duyên với nghề "tút tát" đồ cũ trên phố Đại Mỗ đã 19 năm qua.
Anh Nguyễn Văn Ga chia sẻ công việc xử lý với các cánh cửa cũ: "Với cửa làm bằng gỗ tốt, tôi chỉ cần đánh lớp sơn cũ đi rồi sơn lại là hóa mới ngay. Mà giá thành chỉ bằng một nửa đóng mới. Nhiều người xây nhà mới thích mua khuôn, cửa gỗ cũ tân trang vì theo họ đây là những loại gỗ tốt...".
Anh Nguyễn Văn Ga từng có những vị khách "sộp" đến mua hết 350 triệu tiền cửa cũ để lắp cho căn biệt thự của nhà mình. Cũng có không ít vị khách mua đồ cũ để tiết kiệm tiền sửa sang cho ngồi nhà.
Gần 20 năm làm nghề, không ít lần anh gặp câu chuyện dở khóc dở cười. Anh kể lại: "Năm 2015, một anh chủ nhà ở quận Hoàn Kiếm bán cho tôi 2 bộ cửa chính và 5 bộ cửa sổ bằng gỗ dổi với giá 50 triệu đồng. Tháo về được mấy hôm, đang "tút tát" lại, một ông cụ đã ngoài 80 tuổi tìm đến nhất quyết mua lại tất cả bộ cửa với giá 100 triệu đồng".
Hỏi ra mới biết, ông cụ là bố của anh nhà giàu kia và bộ cửa đã có tuổi đời hơn 100 năm. Ông cụ vì yêu quý đồ cũ còn tốt nên muốn giữ lại bằng được. Còn anh còn trai chỉ vì muốn thay bằng cửa nhôm kính mà bán đi.
Theo anh Nguyễn Văn Ga, đồ gỗ cũ ở đây đa số chỉ được gõ lại cho chắc chắn, sơn lại và vá những chỗ bị nứt, rạn bằng đúng loại gỗ đúng chủng loại. Những cánh cửa được khách ưng ý, nhưng không vừa với số đo của nhà sẽ được thợ "gọt lại" cho phù hợp.
"Qua lớp sơn rất khó để phân biệt loại gỗ, chúng tôi thường phải gõ vào để nghe tiếng kêu hoặc dựa vào mùi hương từng loại để định giá. Như gỗ dổi thì rất thơm, gỗ hương có mùi thơm dịu pha chút mùi chua, gỗ lim thì tiếng gõ vào kêu rất đanh cảm giác chắc chắn.... Cái này, tôi được bố truyền lại, ông cụ cũng là người có đến 40 năm làm thợ mộc" - anh Nguyễn Văn Ga tâm sự.
Đến xem đồ chuẩn bị mua lắp vào căn nhà mới xây của cậu con út, ông Nguyễn Quý Hà trú tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Trước đây tôi làm nhà, lắp bộ cửa mới, sau 1 năm cửa co ngót, cong vênh không thể đóng mở nổi. Qua người bạn giới thiệu, tôi xuống đây mua được bộ cửa cũ thay thế, giá thành rẻ mà dùng 12 năm qua rất ưng ý".
Từ khi chuyển qua dùng đồ gỗ cũ, căn nhà xây cho người con trai lớn, cách đây 5 năm ông cũng tìm đến Đại Mỗ để mua cửa cũ về dùng. Căn nhà thứ 3 ông xây cho cậu con trai út dự kiến hoàn thành trong tháng 5 tới. Ông bắt đầu đi tìm những cánh cửa phù hợp để nhờ thợ "tút tát" chờ ngày lắp ráp.
"Bên cạnh những đồ gỗ đóng mới chất lượng tốt, vẫn còn một số cơ sở đóng hàng bị co ngót sau 1 thời gian sử dụng. Tuy nhiên cũng không phải thứ đồ gỗ cũ nào đều tốt và hợp mẫu mã hiện đại. Khách cũng phải chọn lựa thật kỹ để tránh những món đồ bị mối mọt" - ông Nguyễn Quý Hà chia sẻ.
(Theo Dân Trí)