Cuốn sách dày gần 500 trang của nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là tập hợp những bài viết mới nhất về đề tài Hà Nội vừa được NXB Hà Nội ấn hành.
Cuốn sách “Hà Nội – Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” được chia làm 3 phần. Phần một của cuốn sách có tên “Cuộc sát hạch nghiêm khắc” tập hợp các bài viết xung quanh “Dấu ấn năm mở rộng” về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, của một “Hà Nội trên tầm cao mới” được nhìn nhận từ góc độ văn hóa để tất cả “Vững tin đi tới”.
Về đầu đề “Cuộc sát hạch nghiêm khắc”, nhà thơ Bằng Việt – Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chia sẻ, ông thấy rất thú vị khi tác giả “dám” dùng đầu đề này. Quả thật, với những ai có trách nhiệm quản lí và xây dựng Hà Nội thì thời điểm năm 2008, khi Hà Nội bước vào cuộc mở rộng địa giới hành chính trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới rất khó khăn thì đây thực đúng là “cuộc sát hạch nghiêm khắc”, là thử thách sống còn.
Phần hai có tựa đề “Trên bệ phóng nghìn năm” lấy dấu mốc năm Đại lễ mừng Thủ đô tròn nghìn tuổi làm điểm tựa; lại có thêm điểm sáng từ thẳm sâu lịch sử soi rọi nên “Tầm vóc Hà Nội – Vị thế Việt Nam”. Với 14 bài viết trong phần này, người ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào một ngày không xa, Thủ đô Hà Nội sẽ hiện hữu với các tiêu chí "Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại", sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới không chỉ từ bình diện đất rộng và người đông.
Phần ba mang tên “Dòng văn hiến bất tận”, đây chính là phần tích tụ lại những dịu dàng sâu lắng của một tâm tình đa cảm đầy trách nhiệm đối với Hà Nội của người viết.
Nhà thơ Bằng Việt đã có những lời nhận xét trang trọng dành cho cuốn sách: Ông nói: “ độc giả muốn đi tìm lời giải sẽ có cảm giác yên tâm khi đọc hết phần một của tập sách. Hà Nội đang quyết tâm vượt lên mình từng ngày và Hà Nội đang có rất nhiều những kỳ tích tưởng chừng bình lặng của đời thường. Cũng trong cuốn sách, tác giả Hồ Quang Lợi bàn nhiều về những giá trị “phi vật thể”, những thứ bồi đắp kiến tạo nên hồn cốt Thăng Long, bởi theo ông “…mỗi người dân dù ở đâu tới, khi sống ở Thủ đô đều phải ý thức về nề nếp Tràng An, từ sinh hoạt hàng ngày; cùng khôi phục, vun đắp cho truyền thống đẹp đẽ, thanh quý ấy”.
Theo nhà thơ Bằng Việt, mỗi bài viết trong cuốn sách của tác giả Hồ Quang Lợi đều như một “thông điệp thiết tha”, khơi nóng cảm xúc của mỗi chúng ta và gợi cho chúng ta cùng hưởng ứng để hành động vì một Hà Nội tươi đẹp hơn và xứng đáng hơn với một “dòng văn hiến bất tận” đã uy nghi đứng trên “bệ phóng nghìn năm”.
Điểm nhấn trong cuốn sách mà tác giả Hồ Quang Lợi muốn gửi gắm đó chính là sự kế thừa, khôi phục tinh hoa truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn hiến: “Chúng ta nhất thiết gây dựng di truyền văn hóa truyền thống. Chúng ta nhất thiết gây dựng di truyền văn hóa qua các thế hệ người Hà Nội để kinh kỳ phồn hoa luôn rạng rỡ và những lớp trầm tích luôn là nguồn sáng kiêu hãnh chủ lưu từ nghìn năm, đại diện của văn minh sông Hồng trên đất nước hàng nghìn năm lịch sử”.
T.Lê