Dễ thấy tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, đồ dùng gia đình cồng kềnh vẫn diễn ra trên địa bàn Hà Nội, gây mất mỹ quan đô thị. Ở bất cứ nơi đâu có thể vi phạm, người dân sẵn sàng đổ trộm phế thải xây dựng và các vật dụng cồng kềnh đã qua sử dụng. Thiếu điểm tập kết để người dân ở nơi đó đến đổ thải nên tình trạng này không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường mà còn làm xấu đi hình ảnh Thủ đô và gây bức xúc trong chính nhân dân.
Không khó để quan sát thấy những điểm đổ thải đầy chất độc hại, mùi xú uế ven đường tại các quận huyện do không được thu gom, vận chuyển đến đúng nơi quy định; biến các khu vực này cũng trở thành những “điểm đen”. Đã đến lúc TP Hà Nội phải lên quy hoạch các điểm đổ phế thải xây dựng, lập bản đồ và danh sách chi tiết để người dân nghiêm chỉnh chấp hành đổ rác/phế thải xây dựng đúng nơi quy định.
Đứng ở góc độ nghiên cứu, TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, với lượng rác thải phát sinh hằng ngày quá lớn (tổng khối lượng rác khoảng 7.000 tấn/ngày trong nội thành), mặc dù nhà máy điện rác Sóc Sơn và tới đây là Xuân Sơn đi vào hoạt động nhằm chấm dứt phương pháp chôn lấp lạc hậu thì lượng rác thải xây dựng cũng vẫn là áp lực.
Tính đến tháng 12/2023 này mới có Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào vận hành toàn bộ (tháng 11/2023), do đó Hà Nội cần phải đẩy nhanh tiến độ Nhà máy xử lý rác thải Sepharin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn để “chia lửa”. Bên cạnh đó, các dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), các bãi tập kết rác thải xây dựng tại Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm… cũng cần được cải tạo và nhanh chóng mở rộng tối đa để công tác thu gom, tái chế bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả bền vững.
Về bản chất, ngoài các dự án nhà máy rác đang có chưa đáp ứng được nhu cầu thì các điểm tập kết rác thải xây dựng, rác thải độc hại cũng đang thiếu khiến tình trạng phế thải xây dựng bị đổ trộm tràn lan như thời gian qua. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát và xử lý của chính quyền địa phương cũng là một dấu hỏi lớn. Để giải bài toán này cho các địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, thành phố đang đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố tới các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn phù hợp thực tế của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, lồng ghép quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp quy hoạch chuyên ngành khác... Trước mắt trên cơ sở hoàn thành quy hoạch xử lý chất thải rắn, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các dự án: Nhà máy xử lý rác thải tại Châu Can (huyện Phú Xuyên), Lại Thượng (huyện Thạch Thất), Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) và Phù Đổng (huyện Gia Lâm), thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp.
Trong khi đó theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, cuối năm 2023 này, TP Hà Nội cũng sẽ phải hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm chỉ tiêu 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn được thu gom, xử lý ngay trong năm 2024. Sau khi đưa vào hoạt động toàn bộ nhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày (tháng 11/2023); đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn với công suất 1.500 tấn/ngày thì Dự án xử lý chất thải Đồng Ké tại huyện Chương Mỹ, công suất 1.000 tấn/ngày cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Như vậy, khi tiến trình xây dựng các nhà máy/ điểm tập kết phế thải xây dựng tập trung đi vào hoạt động, hy vọng tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên địa bàn Thủ đô sẽ được chấn chỉnh.