Mục tiêu được đề ra trong kế hoạch triển khai thực hiện công tác Dân số và Phát triển thành phố Hà Nội năm 2024. Năm 2023, con số mục tiêu là 87%, Hà Nội thực hiện thành công.

Để nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai và thực hiện Kế hoạch số 93/2018 của UBND TP.Hà Nội về việc triển khai thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Trong đó, tăng cường truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra, cùng đó nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi.

Hà Nội cũng tiếp tục duy trì các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng tại 30 quận, huyện, thị xã, tổ chức các câu lạc bộ tạo điều kiện cho người cao tuổi được tự chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng.

W-nguoicaotuoi_Chihieu.jpeg
Khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh minh họa: Phan Chí Hiếu

Cũng liên quan đến công tác chăm sóc người cao tuổi, Hà Nội cũng ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng. Theo đó, thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi đang thường trú trên địa bàn TP.Hà Nội không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Thời gian qua, TP.Hà Nội đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, thể dục thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi; phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, “Người tốt - Việc tốt”. Toàn thành phố có 5.689 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao… với 201.223 người cao tuổi tham gia.

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn 2022-2025, Chính phủ đặt mục tiêu 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.

Hà Linh