Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi, Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, tính đến tháng 9/2022, Hà Nội có 1.044.590 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 13% dân số Thủ đô; trong đó có gần 6 vạn người cao tuổi có công, trên 29 vạn hưu trí; hơn 67 nghìn người cao tuổi đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở.

anh 15.jpg
 Gần 410.000 người cao tuổi Thủ đô được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Thế Toàn, những năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi Thủ đô đã phối hợp với các ngành đẩy mạnh chăm lo cho người cao tuổi, xã hội hóa phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”; tổ chức các hoạt động khám, tư vấn sức khỏe; vận động gia đình, con cháu và cộng đồng dân cư thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.

Đặc biệt, công tác chăm sóc người cao tuổi đã được các cấp Hội phối hợp với các cơ quan ban ngành TP Hà Nội thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ cho người cao tuổi. Bảo đảm 100% người cao tuổi nghèo, cô đơn, tàn tật, người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ trợ cấp ở mức cao hơn theo quy định.

Cụ thể, đã có 409.100 người cao tuổi Thủ đô được lập hồ sơ quản lý sức khỏe, 81,01% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 577/579 hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn đã xây dựng Quỹ “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” với tổng số dư hơn 332 tỷ đồng; duy trì tốt các hoạt động chúc thọ, mừng thọ và hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn…

Về đời sống tinh thần, toàn TP Hà Nội đã xây dựng được 128 câu lạc bộ (có từ 1.000 hội viên trở lên) đi vào hoạt động ổn định, có nền nếp. Nhiều câu lạc bộ thiên về văn nghệ, thể thao tham gia các giải thi đấu có giải và đạt thành tích cao. Đặc biệt, mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn Thủ đô cũng đang được nhân rộng bởi tính hiệu quả, đặc biệt là tại các huyện ngoại thành.

Nam Phương