- Suốt 4 ngày liên tục, khoảng 40.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân… rơi vào tình trạng khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Cảnh lỉnh kỉnh xô chậu, gồng gánh đi xin nước …diễn ra ở Hà Nội những ngày qua được một người dân ví von “hệt như thời bao cấp”.

Theo phản ánh của người dân, đến 4h chiều nay (7/2), một số khu vực tại quận Thanh Xuân đã bắt đầu có nước. Dù trước đó, đại diện nhà cung cấp nước khẳng định trên truyền hình rằng 4h sáng nước sẽ về đến Hà Nội. Những người dân có kiến nghị nhà cung cấp nước, khi có sự cố xảy ra cần thông báo rộng rãi để người dân kịp thời chuẩn bị các phương án tích trữ, dự phòng, tránh để rơi vào tình trạng bị động khiến cuộc sống bị xáo trộn.
Nhịn…. mọi nhu cầu

Chủ đề “mất nước”là câu chuyện bức xúc nhất của chị em công sở trên địa bàn Hà Nội những ngày qua.

Chị Hà (nhân viên kế toán ở Hà Đông, Hà Nội) đầu giờ sáng lên cơ quan đã thấy chị, em nhốn nháo trong nhà vệ sinh.

Một chị trung niên hỉ hả: “Nhà mất nước, tranh thủ lên cơ quan tắm chứ mấy ngày nhịn rồi. Phải chịu khó chứ, thằng Trung ở phòng kinh doanh còn tranh thủ lên đây mới đánh răng kia kìa”, chị này hất hàm sang phía nhà vệ sinh nam với khuôn mặt nhăn nhó.

Không chỉ có thế, nhiều chị em còn lỉnh kỉnh bình đựng nước sau xe. Tan sở tranh thủ đong đầy bình chở về nhà để ứng chiến với nạn mất nước.

“Khổ nhất là mất nước mà không báo nên chẳng ai có phương án dự trữ. Làm hôm qua lúc thì mình đổ cho cái máy giặt bị hỏng không vào nước, lúc thì mình đổ cho cái máy bơm bị hỏng không lên được. Sáng nay phải lật nắp bể ngầm lên thì hóa ra là mất nước”, chị Hà bức xúc.


Lấy ghế nhựa xếp hàng chờ lấy nước... hệt như thời bao cấp là những cảnh tượng đang diễn ra ở Hà Nội trong 3-4 ngày nay. Ảnh: Phạm Hải

Một số người dân cũng không nắm được thông tin mất nước nên cứ vô tư dùng nước trong các bể chứa. “Hiện tại, trên bể không có nổi một giọt nước để nấu cơm. Mới hôm qua, tôi mới biết là do vỡ đường ống dẫn nước chính về Hà Nội. Nếu biết sẽ mất nước kéo dài như vậy thì gia đình tôi đã có kế hoạch sử dụng tiết kiệm”.

Tuy nhiên, trên một diễn đàn mạng, thành viên Hoangyen69 than thở: “Khu nhà mình cũng được thông báo trước, nhà nhà cố gắng trữ nhiều nước nhất trong khả năng có thể nhưng sang ngày hôm nay (ngày thứ 3 mất nước) nhà nào cũng hết sạch”.

Thành viên Bonnie2009cũng chia sẻ: “Công ty mình cũng ở khu vực bị mất nước, lại không có bể dự trữ nên mọi nhu cầu từ "nhỏ" đến "lớn" đều phải nhịn hết. Hơn trăm người lại làm việc cả ngày, khổ ơi là khổ.

Với các hộ gia đình sống ở chung cư, hậu quả của việc mất nước càng trở nên nghiêm trong hơn. Chị Hà Như (Cầu Giấy) than thở: “Nhà mình ở tầng 8, hôm qua đi làm về, chồng mình vẫn hì hục xách nước lên tầng 8 đến tận 10h đêm”.

Gia đình chị Thủy không có bể chứa ngầm, cả chung cư 5 tầng nơi chị sinh sống chỉ có duy nhất một bể chứa chung đặt trên nóc tầng 5 dùng cho cả khu. Chính vì thế, khi có sự cố xảy ra thì không riêng nhà chị mà hàng chục gia đình khác cũng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Học sinh, bệnh nhân méo mặt

Người dân mất nước đã khổ, người bệnh mất nước còn khổ trăm bề. Anh Đỗ Quang Hải (Trung Văn, Từ Liêm) cho biết, mấy hôm nay, gia đình anh phải tất tả đưa bố từ BV Xây Dựng (Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân Bắc) về nhà để tắm rửa, giặt giũ, rồi lại thuê xe trở lại bệnh viện.

“Bố tôi bị u não, phẫu thuật ở Việt Đức xong thì đưa về BV Xây dựng điều trị hậu phẫu vì ở đây có bảo hiểm y tế. Ai ngờ về đây đúng đợt mất nước. Ngày nào cũng ít nhất 2 quệt đi-về, tiền taxi lên đến hơn 100 nghìn, lại còn chưa kể muôn chuyện phiền toái khác”, anh Hải bức xúc.

Đến hôm nay, sau 4 ngày mất nước, một số trường tiểu học nằm trên quận Thanh Xuân và Cầu Giấy đã phải cho học sinh nghỉ học.

Một giáo viên của trường Tiểu học Lý Thái Tổ cho biết, nhà trường đã phải dùng đến những giọt nước cuối cùng trong bể nước cứu hỏa để dùng cho nhà vệ sinh. Nhưng cố gắng cũng chỉ cầm cự được đến hết ngày hôm nay.

Trong khi đó hiện trường mầm non Lý Thái Tổ đã phải tạm cho giáo viên và học sinh nghỉ học.

Cơm hàng cháo chợ - kháng chiến trường kỳ

Thiếu nước sinh hoạt mọi hoạt động trong gia đình đều ở trong tình trạng đình trệ. Các nhu cầu lớn cần nước như tắm, giặt, lau nhà…đều phải nhường cho các hoạt động thiết yếu như đánh răng, rửa mặt và nước uống.

Mất nước, nhà chị Mai (Giáp Nhất, Thanh Xuân) phải di cư đi khắp nơi để… sinh hoạt nhờ. Chị kể ngày Rằm tháng giêng, nhưng gia đình không có đủ nước để làm cơm. Tối tối cả nhà phải thuê taxi lên nhà chị gái tận Ba Đình để tắm giặt nhờ.

“Mấy bữa nay cả nhà tiện gì ăn nấy. Thấy tình hình có vẻ căng, hồi sáng nhà tôi đã phải gọi cửa hàng nước mang nước đóng chai đến để nấu cơm, nhưng có lẽ đông quá, đến hơn 12 giờ vẫn chưa thấy đâu”, chị Mai cho biết.

Chị Thủy cho biết: “Mấy hôm vừa rồi có ai mời đến nhà ăn uống là cả nhà lên đường ngay chứ ở nhà cũng chả có nước mà nấu nướng".

Chị Việt Anh thì may mắn hơn. Anh trai chị ở khu vực không mất nước đã gọi điện bảo chị sang dùng nước để sinh hoạt. Ngay sau giờ làm chị Việt Anh đã chở đống quần áo bẩn và hai con trai sang để tắm, giặt nhờ. Chồng chị cũng mang theo can 20 lít sang đó để tích nước.

Nhà chị Thơm ở Khương Trung, Thanh Xuân cũng bị mất nước. Ngay từ sáng các hộ dân xung quanh nhà chị đã náo loạn, í ới kéo nhau đi xin nước…như thời bao cấp.

Một số hộ gia đình còn cho can 20 lít lên xe đẩy rồi đẩy nước về nhà. Một cảnh tượng hiếm thấy ở Hà Nội trong nhiều năm nay.

Trong lúc náo loạn vì mất nước, một thành viên trên diễn đàn otofun mách nước: “Thông báo tin vui cho cả nhà nếu không có nước thì alo số 0914..., 100 nghìn/ một khối, xe ô tô tới bơm trực tiếp vào bể. Nhưng nếu nhà ở trong ngõ ngách quá chắc cũng chịu”.

Một thành viên khác lại có một cách nhìn khá đặc biệt: “Nhiều hộ gia đình ở khu mình thường ngày chả thấy mặt nhau nay cùng rủ, hỗ trợ nhau đi xin nước thân thiết hẳn. Dù đây là một sự cố gây hậu quả nặng nề nhưng mình nghĩ mọi người cũng nên nhìn nhận để sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm hơn”.

Minh Anh - Lê Minh