Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 154 tuyến buýt, 1 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A). Dự kiến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao (8,5Km) của tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3. Trong tương lai có thêm 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417Km.

Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt (các tuyến ĐSĐT đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử nhưng có các công nghệ thẻ vé khác nhau dẫn đến chưa đảm bảo tính liên thông và vẫn chỉ là vận hành độc lập).

ve dien tu.jpeg
Hà Nội triển khai thí điểm thẻ vé điện tử liên thông giao thông công cộng (Ảnh: Phú Khánh) 

Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán; không đảm bảo tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc sớm triển khai triển khai hệ thống vé điện tử liên thông cho mạng lưới vận tải hành khách giao thông công cộng bằng xe buýt và ĐSĐT trên địa bàn là rất cần thiết.

Hệ thống vé điện tử sẽ giải quyết được kịp thời các tồn tại, bất cập hiện nay; là cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé có tính ưu việt, hỗ trợ nhiều hơn cho hành khách trong tương lai. Từ đó thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt; đa dạng, tiện lợi hình thức thanh toán, tiết giảm kinh phí ngân sách Nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe.

“Đây là tiền đề để tiến tới không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe. Tính riêng 132 tuyến xe bus trợ giá với 2034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ trên xe, giảm số tiền lớn cho ngân sách, theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng”, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết.

Được biết để đưa vào thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với một số đơn vị lựa chọn xác định cụ thể các tuyến thí điểm (xác định được 23 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT); Lắp đặt hệ thống kiểm soát vé trên xe bus; Phần mềm tổng hợp dữ liệu thanh toán; Hướng dẫn đào tạo khai thác sử dụng cho các chủ thể liên quan; Vận hành khai thác thử hệ thống và các tính năng tích hợp liên thông; Sản xuất thẻ vé điện tử.

Đến nay, 13 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT đã hoàn thành xong các thủ tục liên quan đủ điều kiện để chính thức đưa vào khai thác vận hành thí điểm trong thời gian từ 6-9 tháng theo chủ trương đã được chấp thuận.

Việc triển khai thí điểm thẻ vé điện tử liên thông là tiền đề quan trọng cho việc triển khai đồng bộ hệ thống thẻ vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng.

Sau khi hoàn thành thí điểm, Sở GTVT sẽ cùng với các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết đánh giá toàn diện các ưu nhược điểm, bất cập tồn tại để đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ đối với hệ thống thẻ vé điện tử liên thông làm cơ sở đề xuất tổ chức triển khai áp dụng đối với toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố.