Hơn 6 tháng sau khi Thủ tướng đồng ý áp cơ chế đặc thù đầu tư 8 dự án cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội, mới có 3 dự án được triển khai, trong đó 2 dự án dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong năm nay.
Tháng 4/2016, trước diễn biến giao thông phức tạp, Hà Nội đã trình Chính phủ xin cơ chế đặc thù (triển khai dự án không qua đấu thầu) để triển khai 8 dự án cấp bách với mục tiêu hoàn thiện và đưa vào hoạt động ngay trong năm 2016, để kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn toàn thành phố. Đề xuất này sớm được đồng ý và được người dân Thủ đô ủng hộ.
Thế nhưng, cho đến giữa tháng 10/2016, tiến độ của nhiều dự án trên dường như vẫn mang tính “cấp bách” trên giấy. Trao đổi với phóng viên, ông Vương Minh Hoan, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện mới có 3 dự án được khởi công là cầu vượt nút giao Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh – Vĩnh Tuy và gần đây nhất là dự án vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long.
Cảnh ùn tắc tại Hà Nội giờ cao điểm. |
Trong 3 dự án này, cầu vượt nút giao Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái sẽ về đích đầu tiên, dự kiến ngay trước Tết Dương lịch 2017. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối, giảm ùn tắc giao thông đoạn cuối đường Vành đai 1.
Tiếp đó, tới trước Tết Nguyên đán 2017, dự án cầu vượt Cổ Linh - Vĩnh Tuy (tổng mức đầu tư hơn 161 tỷ đồng) cũng sẽ tiếp tục hoàn thành. Cuối cùng là dự án đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long vừa khởi công hôm 5/10 vừa qua.
Được biết, dự án có tổng chiều dài 5,5km (trong đó có 5 cầu vượt đi bộ), mặt cắt ngang được mở rộng từ 56 lên 93m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn hỗn hợp với tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. “Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2017” – ông Hoan nhấn mạnh.
Một trong những dự án được ông Hoan nhấn mạnh là rất cấp bách, cần được đầu tư ngay là cầu vượt nút giao An Dương – đường Thanh Niên nhưng dự án này đang rất khó khăn về tiến độ. Khó khăn nhất của dự án là những thoả thuận với Tổng cục Thuỷ lợi, Hội Thuỷ lợi Việt Nam do dự án có liên quan đến đê điều.
Ông Hoan cho biết thêm: Mấy tháng nay, các đơn vị của Sở liên tục làm việc với Tổng cục Thuỷ lợi, Hội Thuỷ lợi Việt Nam để bàn phương án triển khai dự án song vẫn chưa đi đến thống nhất. Mặc dù vậy, ông Hoan cũng khẳng định, các cơ quan liên quan của thành phố đang nỗ lực hết sức để có thể khởi công dự án trước Tết Dương lịch 2017.
Trước đó, UBND thành phố nhận được văn bản của Tổng cục Thủy lợi về việc phương án thiết kế xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương - đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Trong đó, Tổng cục Thủy lợi thống nhất phương án thay đổi kết cấu đê đất sang đê bê tông cốt thép của đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (đường Nghi Tàm) và làm cầu vượt tại nút giao đường An Dương - đường Thanh Niên. Về giải pháp kỹ thuật, đây là tuyến đê có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Vì vậy cần tính toán kỹ.
Một trong những thông tin đáng chú ý liên quan đến việc triển khai 8 dự án khẩn cấp nói trên là việc Hà Nội quyết định dừng triển khai 2 dự án gồm cầu vượt nút giao Bạch Mai – Lê Thanh Nghị và Trần Hưng Đạo – dốc Lương Yên. Thành uỷ đã quyết định không đặt vấn đề triển khai dự án cầu vượt nút giao Bạch Mai – Lê Thanh Nghị bởi thực tế tại khu vực này sau khi xây dựng một số tuyến đường xung quanh trong đó có đường Văn Tiến Dũng, ùn tắc giao thông đã đỡ rất nhiều.
Với nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, lúc xin cơ chế xây cầu vượt, Bến xe Lương Yên vẫn hoạt động và đây là một trong những điểm ách tắc nhất ở Thủ đô. Tuy nhiên, sau khi di dời bến xe này, kết hợp với việc tổ chức giao thông thì cơ bản ách tắc ở đây đã được giải quyết. Vì vậy thành phố đã quyết định không triển khai dự án này.
Thành phố cũng quyết định chưa xem xét việc xây dựng cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc. Cuối cùng, Dự án hầm chui Lê Văn Lương – vành đai 3 được dự kiến khởi công cuối năm 2016 và hoàn thành năm 2018.
(Theo CAND)