XEM CLIP:

Trao đổi với VietNamNet trưa nay (13/9), nói về việc có nên nới lỏng giãn cách xã hội ở Hà Nội sau ngày 21/9 hay không, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hiện TP đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, sau khi có kết quả mới có đánh giá chính xác, căn cứ để đề xuất nới lỏng hay không.

{keywords}
Đường phố Hà Nội những ngày giãn cách. Ảnh: Nhị Tiến

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, hiện nay các ca bệnh trong cộng đồng tại Hà Nội vẫn còn, nhưng đã giảm. 

Theo ông, để số ca bệnh về con số 0 trong thời điểm hiện nay rất khó, vì dịch bệnh đã vào trong chuỗi cung ứng như chợ, bán hàng online…

Ông nhận định, nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội vẫn rất cao và diễn biến khó lường vì đây là nơi giao lưu đi lại nhiều, không kiểm soát được hết người đi từ vùng dịch về.

PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến, Hà Nội có thể nghiên cứu nới lỏng sau ngày 21/9, nhưng vùng nào đang phong tỏa thì vẫn phải phong tỏa, một số hoạt động có nguy cơ cao như vũ trường, bar, karaoke, các hoạt động tập trung đông người… thì vẫn cần chưa cho phép hoạt động.

Tại cuộc họp Sở Chỉ huy phòng chống dịch TP Hà Nội chiều qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các địa phương phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21/9. 

Đối với vùng 2,3, ông đề nghị chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. 

Ngoài ra, các quận huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi TP có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Trao đổi với báo chí trước đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, quan điểm của TP cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách mãi. Chính vì vậy TP mới phải quyết liệt thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tranh thủ từng ngày để kiểm soát dịch theo từng khu vực. 

"Việc nới lỏng giãn cách hay không; nới lỏng tới đâu, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình dịch tễ và nguy cơ của từng vùng. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân”, ông Phong khẳng định.

Về chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, riêng ngày 12/9, Hà Nội đạt con số kỷ lục, thực hiện được 573.829 mũi tiêm. 

Tính tổng đến 18h ngày 12/9, Hà Nội đã thực hiện được 4.480.426 mũi tiêm. So với gần 4,6 triệu liều vắc xin được cấp, thành phố đạt tiến độ 89% (tỷ lệ tiêm chủng/vắc xin được phân bố thực tế). 

Trong đó, người dân (trên 18 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 84,11%. Một số đơn vị đã hoàn thành tiêm 95-100% số vắc xin được cấp như: Ba Đình, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm. Số F0 cộng đồng những ngày qua cũng xu hướng giảm mạnh. 

Hương Quỳnh

Bí thư Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ chen lấn tiêm vắc xin ở Trung Văn

Bí thư Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ chen lấn tiêm vắc xin ở Trung Văn

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Quận ủy Nam Từ Liêm, Bí thư Quận ủy kiểm tra làm rõ trách nhiệm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi để xảy ra việc mất an toàn.