Trong quá trình thực hiện, các cấp, ban ngành và mỗi địa phương đã thực hiện tương đối hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Nhờ đó, Chương trình đã nhận được sự chung sức, đóng góp nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các tổ chức, DN, Nhân dân... cho xây dựng NTM toàn TP đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Nhờ nguồn lực đầu tư lớn, đến nay, toàn TP đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 355/382 xã (chiếm 92,9% tổng số xã) cũng được UBND TP Hà Nội công nhận hoàn thành NTM, 13 xã được công nhận về đích NTM nâng cao.
Gia Lâm là một trong hai địa phương mới nhất của Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới |
Song song với việc chỉ đạo các huyện, xã xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu Thủ đô. Từ đó, có đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng mô hình, cách làm trên địa bàn TP.
Đối với nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, bền vững, đồng bộ và hiệu quả. Gắn kết xây dựng NTM với phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Các cấp, ban ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tuấn Anh
Ảnh: Hồng Hạnh