Mặc dù là Thủ đô của cả nước nhưng hiện nay Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt, cây ăn quả và hoa cây cảnh. 

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường toàn cầu, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản mang tầm quốc tế trở thành điều cần thiết đối với ngành trồng trọt Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Việc cấp mã số vùng trồng là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Những mã số này giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. 

Thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản Thủ đô. Điển hình như: gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)... 

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, để đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi và xử lý sâu bệnh. Các doanh nghiệp và hợp tác xã xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, đến cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật để kiểm soát toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến tháng 4/2024, Hà Nội đã cấp được 16 mã số vùng trồng xuất khẩu và 133 mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt. Sau khi được cấp mã vùng trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện để tiếp tục duy trì mã số đã được cấp. Các vùng trồng đã được cấp mã duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Anh, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Không chỉ tập trung xây dựng mã số, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, giám sát 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, trong đó có 38 cơ sở đảm bảo duy trì mã số vùng trồng theo quy định, còn 5 cơ sở có ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ. Điều này cho thấy sự nghiêm túc và minh bạch trong việc quản lý và duy trì chất lượng sản phẩm nông sản.

Đây là kết quả của sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng và bà con nông dân trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi các sản phẩm được chứng nhận truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu, giá trị của nông sản Việt sẽ được nâng cao, mở ra nhiều cơ hội mới cho bà con nông dân. Qua đó, nông sản Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được vị thế và giá trị của mình. Từ việc cấp mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản đạt chuẩn xuất khẩu, trong năm 2023, các sản phẩm của ngành nông nghiệp của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt trên 1 tỷ USD.