Hà Nội có nền nông nghiệp đặc thù - nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị. Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với đặc thù riêng, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sạch, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị toàn cầu.

Đánh giá về phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn TP, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ từng nhận định, mặc dù đạt được kết quả nhất định, song quá trình xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn ở Hà Nội còn không ít khó khăn, vướng mắc nội tại cần sớm được tháo gỡ.

Đó là: Sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết; cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, thủy lợi…) phục vụ sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản thiếu chuyên nghiệp, vẫn “mạnh ai nấy làm”... sản xuất khi thừa, khi thiếu.

W-trongrau-1.png
Trồng rau sạch tại Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội

Vì vậy, trong định hướng phát triển, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đẩy mạnh nền nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như: Ðất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay trên địa bàn có nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thực hiện quản lý và sản xuất với diện tích 70ha; Hợp tác xã trồng lúa, bưởi hữu cơ và rau an toàn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất với quy mô 20ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội có quy mô sản xuất 17,8ha. Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap..

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

PV