Đề án dựa trên nghị quyết của HĐND TP, theo đó Hà Nội sẽ dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Ngoài 12 quận hiện nay, đến năm 2030 Hà Nội sẽ có thêm 5 quận khi các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng chuyển thành quận.
Hà Nội sẽ cấm xe máy hoạt động từ năm 2030 |
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện nay nếu phân vùng hạn chế xe máy theo địa bàn các quận thì cơ bản theo đường vành đai 3, còn nếu đến 2030 thì khả năng phạm vi các quận ra đến vành đai 3,5 và vành đai 4.
Đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, để dừng hoạt động của xe máy thì hệ thống vận tải công cộng và các phương tiện thay thế phải đáp ứng tối thiểu 65% nhu cầu đi lại của người dân.
Vì thế đến 2030 cần đưa vào hoạt động 8 dự án đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 14-20 tuyến minibus…
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030 khi chưa dừng hẳn hoạt động của xe máy, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần xem xét để hạn chế xe máy trong một số khu vực, một số tuyến đường có mật độ giao thông cao dẫn đến nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện |
Về đề án thu phí phương tiện cơ giới, tại hội thảo các ý kiến thống nhất là khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường cao cần hạn chế phương tiện giao thông cơ giới.
Tuy nhiên, phải đảm bảo phân luồng giao thông cho các phương tiện cơ giới không muốn đi vào khu vực thu phí nhưng vẫn có thể đảm bảo sự đi lại đến các điểm cần thiết ngoài phạm vi thu phí.
Vùng thu phí cũng được xác định tại các vùng vành đai để giới hạn thu phí.
Đối tượng thu phí là các phương tiện ô tô với nguyên tắc gây ô nhiễm nhiều và dễ gây ùn tắc giao thông thì thu nhiều. Ưu tiên cho các loại xe với khối lượng chở lớn, phương tiện giao thông sạch.
Để đảm bảo việc thu phí không gây ùn tắc giao thông, phải áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, tốc độ thu phí nhanh.
Điều kiện khả thi cho việc thu phí tự động là là các ô tô phải lắp đặt thiết bị thu phí không dừng. Việc này đảm bảo đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Không bắt đầu không biết lúc nào làm được
Ông Trần Danh Lợi, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, việc hạn chế xe máy, tiến tới thu phí xe cơ giới bước đầu thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu không bắt đầu thì không biết bao giờ Hà Nội mới làm được.
Nhiều chuyên gia góp ý về đề án hạn chế, cấm xe máy và thu phí ô tô vào nội đô HN |
Ông Lợi cũng lưu ý, khi hạn chế và tiến tới cấm xe máy thì phải bố trí phương tiện công cộng cho người dân ra vào vùng lõi đô thị thuận tiện. Do đó, ngoài việc đi bộ để tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, TP cần bố trí xe đạp ở các điểm công cộng phục vụ người dân. Đây cũng là xu thế chung của các đô thị văn minh trên thế giới.
Ngoài ra TP cần dành quỹ đất cũng như bố trí không gian ngầm để kêu gọi xã hội hoá làm bãi đỗ xe tại những điểm giao thoa đường hướng tâm…
Chánh văn phòng UB An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái nói thêm, để hạn chế và hướng tới cấm xe máy, Hà Nội phải sớm hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị. Chỉ khi kết nối vận tải công công thuận tiện thì việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy mới thực hiện được.
Ông Thái cũng lưu ý thêm, hiện nay xe buýt Hà Nội rất tốt, nhưng người dân vẫn có thói quen dùng xe máy. Hà Nội phải tổ chức tốt ở những tuyến giao thông thuận tiện để người dân tiếp cận xe buýt và tiến tới đi xe buýt.
Chủ tịch Hà Nội: Nếu điều kiện tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ cấm xe máy
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nếu điều kiện phát triển và giao thông công cộng tốt lên thì TP có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ cấm xe máy.
Vũ Điệp