Hứng trọn nước thải của 3 khu công nghiệp
Từ năm 2020, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Cầu Bây (một trong những chi lưu nhỏ phía Đông Hà Nội của sông Bắc Hưng Hải), UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp với tổng vốn đầu tư gần 219 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm triển khai, nhiều hạng mục kè bờ sông và đường ven sông vẫn còn dang dở. Đặc biệt, nước sông Câu Bây vẫn là màu đen ô nhiễm nặng với đầy chất thải độc hại, mùi xú uế. Rác thải hai bờ sông cũng ngày một nhiều do quá trình đô thị hóa nhanh khu vực phía Đông Hà Nội.
Cũng giống như những dòng sông phía Tây và trung tâm Hà Nội như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Đáy, Nhuệ… Dự án cải tạo môi trường sông Cầu Bây cũng chỉ giải quyết được hạ tầng hai bờ sông, còn chất lượng nguồn nước được dự báo là việc làm… bất khả thi.
Theo khảo sát của Báo VietNamNet tại thời điểm tháng 12/2023, nhiều hạng mục chỉnh trang cải tạo sông Cầu Bây vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Thậm chí, nhiều đoạn sông chưa hề được thi công kè bờ, đường ven sông vẫn chưa có dấu hiệu cải tạo xây dựng dự báo tiến độ dự án sẽ tiếp tục bị chậm trễ.
Trả lời báo chí khi triển khai dự án tại thời điểm tháng 9/2022, Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh Trần Văn Phúc cho biết, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đơn vị sẽ đẩy nhanh các gói thầu và dự kiến trước ngày 31/12/2022, công ty này sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng hạ tầng bờ kè 2 bên bờ sông.
Phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 12/2023 theo quan sát của Báo VietNamNet nhiều khu vực dự án đã án binh bất động. Máy móc thi công trước đó đã được thu hồi, nhiều hạng mục dang dở chưa có dấu hiệu thi công trở lại mà không rõ lí do.
Còn theo bác Nguyễn Thị Liên, cư dân phố An Lạc, Gia Lâm (sống cạnh sông Cầu Bây) cho biết: Tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây đã diễn ra hàng chục năm nay. Trước đây nước sông còn có thể tưới rau, phục vụ nông nghiệp nhưng từ khi phải oằn mình ứng nước thải của 3 khu công nghiệp: Sài Đồng A, Sài Đồng B và Đài Tư cùng hàng ngàn m3 nước thải sinh hoạt mỗi ngày thì dòng sông đã thực sự chết.
“Vào những ngày trời nắng nóng, mùi hôi thối của nước sông bốc lên nồng nặc khiến các hộ dân sống ven sông chúng tôi phải “cửa đóng, then cài” cả ngày lẫn đêm. Ô nhiễm, ruồi muỗi, chuột bọ, mùi xú uế của dòng sông khiến đời sống của chúng tôi rất khốn khổ”, bác Liên cho biết thêm.
Uy hiếp vùng trồng rau của người dân
Theo ông Phạm Gia Hân, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Gia Lâm, sông Cầu Bây trước đây là nguồn cung cấp nước tưới cho khoảng 6.000ha canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây do tình trạng nguồn nước sông Cầu Bây ô nhiễm ngày càng trầm trọng khiến việc cấp nước phục vụ sản xuất của đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, dù chỉ là dòng sông nhỏ nhưng sông Cầu Bây lại là nguồn nước chính phục vụ vùng trồng rau của các xã/thị trấn: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư (huyện Gia Lâm); Thạch Bàn, Phúc Lợi (quận Long Biên). Những tháng mùa khô, một số diện tích đất nông nghiệp của bà con bị bỏ hoang do nguồn nước ô nhiễm quá nặng, không thể dùng để phục vụ tưới tiêu (khu vực trồng ổi của xã Đông Dư) hay trồng rau của các xã/ thị trấn nói trên.
Bên cạnh đó, sông Cầu Bây cũng là nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản của người dân, do đó khi nguồn nước bị ô nhiễm không thể bơm vào ao, hồ người dân đành phải trông chờ vào nước giếng khoan và nước mưa nên không chủ động được thời vụ để nuôi trồng thủy sản. Các đầm nuôi cá, trồng sen của người dân ở khu vực phường Phúc Lợi, Thạch Bàn gần như phải phó mặc trông chờ vào nước mưa để phục vụ sản xuất.
Được biết Dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho gần 5.760ha đất tự nhiên thuộc 14 phường của quận Long Biên; 6 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm và 1 xã của tỉnh Hưng Yên; cung cấp nguồn nước tưới cho 400ha thuộc 2 phường của quận Long Biên và 2 xã thuộc huyện Gia Lâm.
Dự án góp phần chống lấn chiếm lòng sông, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven sông... dự kiến hoàn thành trong quý 2/2023. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại hạ tầng 2 bên bờ sông vẫn ngổn ngang, nước sông Cầu Bây ô nhiễm chưa có dấu hiệu được cải thiện. Hy vọng dòng sông Cầu Bây được hồi sinh đang tiến vào ngõ cụt và hạ tầng chỉnh trang 2 bờ sông cũng chưa biết khi nào mới hoàn thành.