Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ làm 56 người chết, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Chỉ thị của Thành ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, UBND TP yêu cầu huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “bốn tại chỗ”.

Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Để cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC&CNCH.

w trai nghiem pccc 13 copy 1 554.jpeg
Vượt qua nỗi sợ hãi, các em nhỏ học được kỹ năng phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC khi có sự cố xảy ra. Ảnh: Đình Hiếu

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Tập huấn thường xuyên về các kỹ năng thoát nạn cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH.

Xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: Dân vận khéo trong PCCC ở khu dân cư...

Lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức và kỹ năng về PCCC vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học trên địa bàn.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục ngay, khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

Công khai thông tin các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo cháy nhanh, số hóa hồ sơ quản lý địa bàn cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý kịp thời khi cháy, nổ xảy ra.

Thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và CNCH có huy động nhiều lực lượng tham gia.

Tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác PCCC; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...); nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; mua sắm phương tiện PCCC và CNCH (phù hợp với điều kiện của đô thị Hà Nội).