- “Trước mắt sẽ thí điểm thay đổi giờ làm, giờ học của nhóm đối tượng sinh viên và trung tâm thương mại vì đây là lực lượng tự lập, tự chủ trong vấn đề đi lại nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ học giờ làm”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết sáng 25/10 tại buổi làm việc lấy ý kiến với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu dự thảo đề xuất thí điểm của Bộ GTVT về việc thay đổi giờ làm giờ học.

Bộ trưởng Thăng nói gì về thay đổi giờ làm, giờ học ?
Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Thăng cho biết: Bộ đang chờ ý kiến thống nhất với Hà Nội nếu thấy hợp lý sẽ điều chỉnh cách nhau 1h để giảm ùn tắc.

Chưa thống nhất được nhóm đối tượng

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - đơn vị trực tiếp nghiên cứu và đề xuất khung giờ làm, học thay đổi, cho biết: Việc đề xuất giờ làm, giờ học thay đổi đã được Vụ vận tải nghiên cứu dựa trên cơ sở nhịp sinh học và các số liệu thực tế thống kê từ các Bộ ngành khác.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Trước mắt sẽ thí điểm thay đổi giờ làm, giờ học của nhóm đối tượng sinh viên và trung tâm thương mại.


Theo đó, với giờ học của sinh viên, ngoài khung giờ như đã đề xuất trước đấy, còn có phương án 2 để lựa chọn, với các trường Đại học khu vực quận Cầu giấy sẽ bắt đầu ca sáng lúc 7h, ca chiều lúc 13h; khu vực quận Đống Đa sáng bắt đầu lúc 8h, chiều lúc 14h; khu vực quận Thanh Xuân sáng bắt đầu lúc 7h, chiều lúc 13h; khu vực quận Hai Bà Trưng sáng bắt đầu lúc 8h, chiều lúc 14h.

“Khảo sát tại các trường Đại học cho thấy, hầu hết các trường bắt đầu học vào 7h, mỗi một ca từ 4 - 5 tiếng, nếu thay đổi như vậy sẽ đảm bảo sự lệch ca, giải tỏa đường để giảm thiểu ùn tắc”, ông Bằng cho biết.

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT): Các nhóm đối tượng nên gộp công chức Trung ương và Hà Nội bắt đầu lúc 9h, và tan tầm lúc 18h; Mầu non và tiểu học sớm hơn 30 phút, để phụ huynh có thể đưa đón con đi học rồi đi làm. Còn nhóm sinh viên không nên phân thành nhiều giờ, mà gộp chung học lúc 6h30 và tan tầm lúc 17h; bậc Trung học bắt đầu sau sinh viên khoảng 1 tiếng, từ 7h30 đến 16h.

Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội đặt vấn đề, theo dự thảo Bộ GTVT mới điều chỉnh ba nhóm đối tượng là công chức; học sinh, sinh viên và trung tâm thương mại. Vậy các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài, lực lượng vũ trang... thì chưa thấy nhắc đến. Hay các đối tượng này vẫn tiếp tục giữ khung giờ như hiện nay, hay phải thay đổi...? Nếu đã nghiên cứu thì phải tổng thể, tất cả các đối tượng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT Hà Nội, số lượng học sinh Tiểu học và THCS trên toàn địa bàn thành phố hơn 800.000 em, nhưng nếu chỉ tính mình các quận nội thành chỉ chiếm khoảng nửa số đấy, mật độ này là không nhiều, và đa phần học ở các trường trong địa bàn quận, tỉ lệ học ở các quận khác rất ít (chỉ khoảng 12%).

Từ đó, ông Dũng đề xuất: “Khung giờ nên lệch nhau 1 tiếng, vì nếu chỉ lệch nhau nửa tiếng, thì chỉ cần đợi vài lần đèn đỏ là tất cả lại gặp nhau ngoài đường, hầu như không thay đổi được bao nhiêu. Và nên tách riêng giờ khu vực ngoại thành với nội thành”.

Còn theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, nên thay đổi giờ đóng cửa của các trung tâm khinh doanh, thương mại, có thể đổi thành đóng cửa lúc 22h, thay vì 23h30 như đề xuất, vì không ai đi mua hàng lúc nửa đêm như vậy.

Ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, điều chỉnh giờ không phải chuyện mới mà đã đề cập tới từ nhiều năm nay, nhưng chưa đủ yếu tố để thực hiện.

Từ đó, ông Thanh đưa ra đề xuất nên gom nhóm công chức Hà Nội và Trung ương làm một nhóm, đối với nhóm không tự đi được như học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nên chênh nhau 30 phút hay một tiếng.

Sẽ thay đổi giờ học của sinh viên trước

Trên phương diện là cơ quan nghiên cứu, ông Lê Đỗ Mười, Giám đốc Phát triển nghiên cứu đô thị&nông thôn (Bộ GTVT) (Bộ GTVT) cho rằng: “Các đối tượng doanh nghiệp tư nhân, văn phòng đại diện nước ngoài thì họ làm theo ca, và khung giờ quốc tế là từ 8 - 9h sáng".

Cũng theo ông Mười, nhóm sinh viên nên vào một khung giờ, có thể từ 7-17h, để phù hợp với việc điều tiết giao thông, bố trí phương tiện xe buýt.
 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT Hà Nội) đề xuất: Khung giờ nên lệch nhau 1 tiếng, vì nếu chỉ lệch nhau nửa tiếng, thì chỉ cần đợi vài lần đèn đỏ là tất cả lại gặp nhau ngoài đường - (Ảnh: Lê Anh Dũng)


“Đây là văn bản để thí điểm, nên trong quá trình làm cần theo dõi phản hồi, trong quá trình đó cần khảo sát xã hội, điều tra, tiếp nhận phản biện xã hội để kịp thời chỉnh sửa. Chứ không phải áp dụng ngay”, ông Mười đề xuất.

Tiếp thu ý kiến của các Ban ngành đóng góp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT phát biểu: “Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cơ bản các Sở ban ngành thống nhất quan điểm thay đổi giờ làm, giờ học là cần thiết. Nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Trước mắt sẽ thí điểm thay đổi giờ làm, giờ học của nhóm đối tượng sinh viên và trung tâm thương mại vì đây là lực lượng tự lập, tự chủ trong vấn đề đi lại nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ học giờ làm”.

Ngoài ra, ông Hùng cũng nhấn mạnh, dù điều chỉnh thế nào đều xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, làm sao cho họp lý không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống nhân dân là tốt nhất.

“Thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, chỗ nào thống nhất thì báo cáo Thành phố để áp dụng trước, chỗ nào còn ý kiến thì tiếp tục nghiên cứu”, ông Hùng kết luận.

Vũ Điệp