Tại vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô, 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1, tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%. Năm học 2017- 2018, 90% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt trên 82%.
Nhiều hỗ trợ cho học sinh DTTS
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Để nâng cao chất lượng dạy và học, thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các trường vùng dân tộc. Đến nay, tại 14 xã vùng dân tộc, miền núi của Thành phố có 60 trường học, trong đó có 32 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.
Các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, giáo viên và cán bộ quản lý công tác ở các vùng dân tộc, miền núi được thực hiện đầy đủ. Học sinh con hộ nghèo được miễn học phí và được hưởng mức hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/năm học; học sinh con hộ cận nghèo được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/tháng/năm học. Học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú được hỗ trợ 80% mức lương tối thiểu/học sinh/tháng/năm học.
Ngoài ra, các em còn được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt đầy đủ theo quy định. Giáo viên giảng dạy ở bậc tiểu học được hưởng phụ cấp ưu đãi 50% lương cơ bản; giáo viên giảng dạy ở bậc THCS, THPT được hưởng phụ cấp ưu đãi 35% lương cơ bản, được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm.
Hiện nay, trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi ở Hà Nội có hơn 200 giáo viên đang công tác là người dân tộc thiểu số. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên công tác tại các trường trên địa bàn Thành phố nói chung và giáo viên giảng dạy tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các trường vùng dân tộc miền núi được Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố tổ chức hàng năm.
Học sinh DTTS nỗ lực vươn lên
Nhờ các chính sách cụ thể, công tác giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS miền núi đã đạt được nhiều kết quả khả quan: 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học Trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm học 2017-2018 đạt trên 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương trên 82%. Hằng năm, hàng trăm học sinh DTTS được vào học tại các trường Đại học, Cao đẳng và đào tạo nghề.
Được tạo điều kiện, các em học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn Hà Nội đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập, tu dưỡng để đạt được thành tích cao trong học tập.
Năm học 2017 - 2018, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia các môn văn hóa và kỹ thuật dành cho học sinh khối THPT, có 2 em học sinh DTTS của Hà Nội đoạt giải; ở kỳ thi cấp Thành phô, có 6 em học sinh DTTS đoạt giải. Trong các cuộc thi thể thao cấp Thành phố dành cho học sinh THPT, THCS, có 3 em học sinh DTTS đoạt giải. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm học 2017 - 2018, có 7 em là người DTTS thuộc các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đạt từ 23 điểm trở lên và 21 em đạt từ 21 điểm trở lên (điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng).
Mới đây, Ban Dân tộc TP.Hà Nội đã tổ chức Lễ Tuyên dương 125 học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2017 - 2018. Trong đó có 71 em là người dân tộc Mường, 19 em dân tộc Tày, 10 em dân tộc Dao, 9 em dân tộc Nùng, 7 em dân tộc Thái, 4 em dân tộc Cao Lan, 4 em dân tộc Hoa và 1 em dân tộc Giáy. Đặc biệt, trong số 125 em được tuyên dương, có 9 em được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; 14 em được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong năm học 2017 - 2018.
Theo Trưởng ban Dân tộc Thành phố, để giúp các em học sinh, sinh viên dân tộc vượt khó, thực hiện được ước mơ, hoài bão rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, chăm lo đầu tư hơn nữa đối với công tác chăm sóc, giáo dục học sinh, sinh viên vùng dân tộc, miền núi nói chung và học sinh, sinh viên người DTTS nói riêng, tạo điều kiện cho các em được vui chơi, học tập, được rèn luyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Ngọc Hân - Thùy Vân - Văn Minh