Cải cách hành chính tiết kiệm cho Hà Nội khoảng 43 tỷ đồng trong 2018.Ảnh minh họa:

Trong năm 2018, Hà Nội được đánh giá có nhiều đột phá, sáng tạo trong cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh, tăng cường công khai, minh bạch. 

Công tác cải cách hành chính (CCHC) đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai thực hiện các dự án, qua đó góp phần trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội.

Báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho thấy, trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của Thành phố. Thành phố đã tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đối với các nhóm TTHC trọng tâm. Năm 2018, Hà Nội thông qua phương án đơn giản hóa TTHC năm 2017 đối với 61 TTHC, tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3% (dự kiến chi phí tiết giảm cho tổ chức, cá nhân khoảng 43 tỷ đồng/năm).

Thông tin từ chinhphu.vn, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ, Thành phố đã xây dựng Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; ban hành quy định liên thông trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình điện trung áp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp-Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài... Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tiết giảm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp và người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí”, UBND Thành phố Thành phố đã giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng văn bản quy định việc thực hiện liên thông các TTHC đã nêu trong Đề án, đồng thời, chỉ đạo kết nối liên thông các TTHC ngay khi Thành phố ban hành văn bản quy định.

Đánh giá về tác động của CCHC được TP.Hà Nội cho biết, bằng việc đẩy mạnh CCHC qua nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính từ Thành phố đến cơ sở; tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai thực hiện các dự án.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch để triển khai thực hiện đề án không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, trong đó nhấn mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao tỷ lệ, chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%); Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố được khai thác sử dụng thường xuyên, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố; xây dựng xong cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.

CNTT được ứng dụng vào phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, cụ thể 100% Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng; 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 100% cán bộ, công chức được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc.

Toàn thành phố đã triển khai Cổng thông tin DVCTT cung cấp các dịch vụ trực tuyến công mức độ 3, 4 trên một nền tảng một cổng dùng chung thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Các DVCTT mức độ 3, 4 có số lượng giao dịch qua mạng hàng năm cao (năm 2016 đạt 50%, năm 2017 đạt 94%, 6 tháng đầu năm 2018 đạt 94%).

Hiện nay, Hà Nội đã triển khai xây dựng Khu công viên phần mềm tại huyện Đông Anh, nghiên cứu thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu lớn; triển khai dự án Khu đô thị “Thành phố thông minh” đầu tiên của Việt Nam tại huyện Đông Anh.

Trong lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã tập trung nghiên cứu chỉ đạo của Trung ương và đã triển khai áp dụng CNTT ở các lĩnh vực dịch vụ công cộng như ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động-IPARKING với 165 điểm trông giữ xe sử dụng ứng dụng này.  Thời gian tới, Thành phố sẽ hoàn thiện quy chế quản lý và đề xuất sử dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ hệ thống; thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến BRT; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội.