Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định TP đang chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp “chặt chém” du khách.

{keywords}
Du khách nước ngoài bị bao vây ở Hà Nội

Bà Ngọc thừa nhận những vụ việc “chặt chém” liên tiếp đối với khách nước ngoài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quảng bá, mời gọi du lịch.

Xểnh ra là “chặt chém”

Chỉ cần tìm kiếm trên Google với từ khóa “cheating taxi Hanoi” - taxi lừa đảo ở Hà Nội - sẽ có hàng ngàn kết quả, trong đó phần lớn là các bản tin trên báo từ vụ việc cụ thể và các diễn đàn mà khách du lịch hoặc người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội thảo luận. Trên các diễn đàn này, câu chuyện được nhiều du khách chia sẻ là tài xế taxi ở Hà Nội thường cố tình chạy lòng vòng để tăng hóa đơn taxi, nói không có tiền lẻ để “xin” khách tiền thừa, chỉnh đồng hồ mét chạy nhanh...

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, anh Kevin (32 tuổi, đến từ Úc) cho biết đã đọc rất nhiều thông tin về “taxi lừa” tại Hà Nội trước khi sang VN nên không hề bị sốc khi nghe chuyện những đồng hương của mình bị tài xế taxi Trung Việt lừa. Để tránh rơi vào bẫy, anh Kevin cho biết ghi luôn số điện thoại và cách nhận biết một số hãng taxi được nhận xét tốt vào sổ tay, kiên quyết không đi các hãng khác.

Trong khi đó, những người sinh sống lâu ở Hà Nội hướng dẫn nhau phương án trị chiêu “hết tiền lẻ” của tài xế, đó là thi gan “xem ai kiên nhẫn hơn” với tài xế. Bà Maria, quốc tịch Papua New Guinea, kể: “Khi tài xế xòe ví không ra bảo tôi là anh ta không có tiền lẻ để trả lại, tôi nói sẽ đợi anh ta đi đổi và ngồi yên trong xe. Anh ta vò đầu gãi tai một lúc rồi rút tiền lẻ từ túi quần ra trả tôi”.

Anh Jean - Jacques Barre của Hãng lữ hành Freewheelin’ Tours cho biết đa số khách của anh hễ tự đi taxi đều gặp cảnh bị “chặt chém”. “Tôi nghe rất nhiều lời phần nàn về taxi ở Hà Nội, nào là bị tính giá cắt cổ, đồng hồ tính cước trên taxi nhảy nhót loạn xạ... Ngoài ra, nhiều du khách bị taxi đưa đi lòng vòng, từ đầu phố đến cuối phố khoảng 1km, nhưng taxi đưa khách qua nhiều con phố khác rồi mới quay lại điểm cần đến” - anh Jean - Jacques Barre bức xúc nói.

Ông Guim Valls Teruel, chủ Hãng The Hanoi Bicycle Collective (Hợp tác xã xe đạp Hà Nội), cho biết du khách nước ngoài vào VN, nhất là đến từ châu Âu, Mỹ, thường tặc lưỡi cho qua dù biết là bị lừa gạt vì ngại va chạm và nhiều khi cũng không biết phải khiếu nại, đấu tranh bằng cách nào khi vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên một đất nước xa lạ. Nhưng kinh nghiệm của ông và bạn bè là nên kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình chứ không xuê xoa cho qua.

Làm xấu hình ảnh thủ đô

Theo anh Jean - Jacques Barre, “VN vốn dĩ không phải là lựa chọn hàng đầu của nhiều người, nên nếu họ đã đến rồi lại gặp cảnh bị “chặt chém” như vậy thì không dám quay lại lần thứ hai”. Ông Guim Valls Teruel cho rằng những tài xế đó biết rõ họ đang làm điều xấu nên nếu bị khách đặt vấn đề ngược lại hoặc dọa báo công an, họ sẽ sợ mà không dám tiếp tục làm liều. “Các cơ quan chức năng cần có các hình thức phạt mạnh tay hơn. Nếu không thì các vụ việc sẽ liên tục được truyền miệng cho nhau và những khách du lịch tiềm năng sẽ không nghĩ tới VN nữa, còn những ai đến rồi cũng chẳng muốn quay lại lần thứ hai” - ông Teruel nói.

Bà Cao Bích Lan - phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - thừa nhận các vụ “chặt chém” du khách nước ngoài đã gây ảnh hưởng xấu tới chủ trương quảng bá hình ảnh, mời gọi khách quốc tế đến Hà Nội. “Khách du lịch nước ngoài bị “chặt chém” chắc chắn họ sẽ kể cho người thân và bạn bè. Rồi họ lại kể tiếp cho những người khác, đó là chưa nói đến việc họ đưa thông tin lên các mạng xã hội, nhiều ảnh hưởng lan tỏa sẽ xảy ra” - bà Lan nói. Theo bà Lan, để ứng phó với nạn “chặt chém” thì tất cả các ngành trực tiếp góp sức làm du lịch phải cùng vào cuộc. “Đơn vị quản lý xích lô phải giáo dục, chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên. Các hãng taxi phải giáo dục lái xe. Còn cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu các khách sạn, nhà nghỉ ký cam kết về giá. Nếu vi phạm thì cứ thẳng tay xử lý” - bà Lan khẳng định.

(Theo Tuổi Trẻ)