“Dấu gạch nối” nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 8 tỉnh, thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang và Tây Ninh.

Đây sẽ là vùng đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học-dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu…

Long An với vị trí liền kề và được xem như “dấu gạch nối” nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long. Kết hợp với lợi thế lớn về địa lý kinh tế, việc phát triển đô thị quy mô cùng hoàn thiện hạ tầng giao thông trở thành nền tảng cốt lõi cốt lõi góp phần giúp tỉnh thu hút nguồn đầu tư. 

Vì vậy, nhiều năm qua, Long An tăng tốc hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông kết nối tại các địa bàn trọng điểm, phát triển công nghiệp của tỉnh là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP. Tân An. 

Trong đó phải kể đến ĐT 830 kết nối huyện Đức Hòa đến cảng Quốc tế Long An; ĐT 818 nối huyện biên giới Đức Huệ với huyện vùng hạ Tân Trụ... Tuyến đường này không chỉ tạo thuận tiện cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn góp phần quan trọng hút nguồn lực, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp và hình thành nhiều tuyến dân cư, tạo nền tảng phát triển các khu đô thị mới. Các tuyến giao thông quan trọng như ĐT 825, ĐT 823, ĐT 826B… cũng được xây dựng hoàn thiện.

Một góc huyện Đức Hoà

Ngoài ra, Long An cùng các đô thị vệ tinh cũng được hưởng lợi từ hệ thống giao thông liên vùng. Như cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành sẽ kết nối miền Tây Nam Bộ - điểm đầu là tỉnh Long An với Đông Nam Bộ, giúp liên thông mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 76 km, sau hoàn thiện sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 tỉnh trong đó có Long An sau khi thông xe hứa hẹn tăng tính kết nối các tỉnh trong vùng và khu vực ĐBSCL với khu vực miền Đông Nam Bộ. 

Đồng thời, Quốc lộ 50B kết nối TP.HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang được thi công xong sẽ tạo trục liên kết giao thông với các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, góp phần tăng cường kết nối tới cảng Hiệp Phước, càng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (Long An) và sân bay quốc tế Long Thành.

Tính đến cuối tháng 7/2023 tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm cơ bản bảo đảm theo yêu cầu. Trong đó, đối với công trình trọng điểm hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An, tỉnh Long An, hiện thi công hoàn thành 6/6 gói thầu, đạt 100% đoạn từ Quốc lộ (QL) 1 đến Đường tỉnh (ĐT) 827A.

Xây mới 2 tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh

Quyết tâm đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông, Long An luôn đau đáu khát vọng trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia; hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tại Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050... phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics nêu rõ đường hướng "lộ thông - tài thông": Tỉnh sẽ ưu tiên hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bố trí thêm lối ra, vào với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.

Song song với đó, là các kế hoạch cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: Đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hoà, đường song hành quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu.

Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, hình thành kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý hoàn chỉnh; quỹ đất xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt 18% - 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị.

Không dừng lại ở đó, Long An còn có kế hoạch xây dựng mới 02 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn - Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới - Cần Đước.

Đồng thời xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ ra Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

...V.v....V.v...

Có thể thấy, với tiềm năng lớn về nguồn lực đất đai, quan tâm phát triển hạ tầng giao thông- đây là những điểm tựa quan trọng để Long An bứt phá vươn lên trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động và hiệu quả phía Nam.

Cửu Long