Mở đường phát triển
Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) là vùng kinh tế sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước với đặc thù địa hình thấp, ngập nước bao phủ bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
Nhiều năm trước, quãng đường đến các tỉnh Tây Nam Bộ đều phải qua sông, chờ đò đầy trắc trở, trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ ai khi đến nơi đây. Sự thiếu hụt về hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân khiến Tây Nam Bộ được xem là “vùng trũng” kinh tế.
Đó chính là lý do những năm qua, phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá của miền Tây, được Chính phủ và các tỉnh trong vùng tập trung đầu tư nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau công trình mở đầu là cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, gần đây, Tây Nam Bộ tiếp tục đưa vào hoạt động nhiều cây cầu mới như cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống (Đồng Tháp). Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Cần Thơ đã được nâng cấp chỗ đỗ máy bay từ 7 chỗ lên 9 chỗ và tăng thêm 7 đường bay nội địa, quốc tế giúp cho huyết mạch giao thông về các tỉnh miền Tây được cải thiện, tăng tốc đáng kể.
Cầu Vàm Cống khánh thành, nối liền Cần Thơ và Đồng Tháp |
Tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất phân bổ 2 tỷ USD cho khu vực Tây Nam Bộ trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách, khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.
Theo đó, hàng loạt dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Đại Ngãi… sau khi đi vào hoàn thành năm 2020 sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, giúp tuyến giao thông đường bộ của Tây Nam Bộ gần như kết nối hoàn toàn, không còn cách trở “lụy phà”. Điều đó cũng có nghĩa là vận tải hàng hóa và hành khách được không chỉ thông tuyến từ TP. HCM tới Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, mà xa hơn nữa về tới Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu.
Sự xuất hiện của các công trình giao thông cũng góp phần mang đến diện mạo khang trang hơn cho kiến trúc và cảnh quan của đô thị tỉnh lỵ, thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây. “Cú hích” cho thị trường BĐS Tây Nam Bộ đã hiện hữu.
Đón đầu tiềm năng
Tận dụng lợi thế từ hạ tầng, nhiều doanh nghiệp lớn không bỏ lỡ cơ hội đổ về miền Tây trong nửa cuối 2019 cùng với những dự án BĐS nghìn tỷ, phân khúc đa dạng từ khu phức hợp, căn hộ, nhà phố cho đến đất nền.
Như tại TP. Cần Thơ, nơi có tốc độ phát triển kinh tế cao và quy mô dân số gia tăng nhanh chóng đang đón dòng vốn tỷ đô, với trên 2/3 số dự án và trên 3/4 tổng số vốn thu hút đầu tư trong nước vào TP. Cần Thơ thuộc lĩnh vực BĐS. Đa số dự án đăng ký đều đến từ những thương hiệu lớn.
Tiệm cận với Cần Thơ, BĐS Hậu Giang khởi sắc với sự xuất hiện rầm rộ các dự án mới của hai doanh nghiệp địa ốc Cát Tường và DIC Group. Sóc Trăng cũng được đánh giá là điểm sáng đầu tư bất động sản hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở thương mại,… trong đó nổi bật có dự án khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt quy mô 47 ha.
FLC La Vista Sadec, dự án khu đô thị quy mô hiện đại bậc nhất tại TP. Sa Đéc, Đồng Tháp |
Tại Đồng Tháp, địa phương có chỉ số PCI dẫn đầu khu vực cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy sôi động của thị trường bất động sản ngay sau sự xuất hiện của một số dự án trọng điểm. Điển hình mới đây là dự án khu đô thị FLC La Vista Sadec của Tập đoàn FLC tọa lạc giữa trung tâm thành phố Sa Đéc, được định hướng trở thành khu đô thị đa chức năng, là không gian sống năng động đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách khi đến với Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, nhiều dự án quy mô khác trong lĩnh vực đô thị, du lịch - nghỉ dưỡng cũng đang được FLC xúc tiến triển khai trên địa bàn Đồng Tháp và các tỉnh lân cận.
Theo nhận định của các chuyên gia, miền Tây được ví như vùng đất của "chín con rồng còn đang ngủ đông", mang trong mình nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai phá, sẽ là dư địa dồi dào dành cho những nhà đầu tư chiến lược nắm bắt.
Thúy Ngà