- Sở Y tế Hà Tĩnh vừa công bố kết quả xác định mức độ độc hại tại các mẫu cá ở 4 kho đông lạnh ở 3 huyện. Cá ở 4 kho này đã được bán ra gần hết.
Bốn kho gồm: Kho Công ty CP XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh (Kỳ Anh), kho HTX Thiên Phú, HTX Hùng Mạnh (Thạch Kim, Lộc Hà), và kho đông lạnh Song Liên (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên).
Ông Hùng, Chi Cục trưởng VSATTP khẳng định: Ăn vài lượng cá nhiễm Cadimi thì không gây độc? Và hiện chưa rõ số cá nhiễm độc đã tiêu thụ ở đâu và số lượng bao nhiêu |
Tại 4 kho đông lạnh, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (VSATTP) lấy mẫu đi kiểm định cho thấy, hầu hết các kho đều cho ra kết quả mẫu cá nhiễm độc vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, chất cadimi trong biển vượt ngưỡng, có nghĩa là cá nhiễm độc từ biển.
Lý giải về điều này, Chi Cục trưởng Chi cục VSATTP Phan Văn Hùng cho biết: Sau khi có kết quả nhiễm độc, chúng tôi đã niêm phong 4 kho. Trước đó, chưa kiểm định nên chưa thể niêm phong vì nếu như cá không độc hại thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và công việc làm ăn của dân.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, trong 3 tháng (tháng 4 đến tháng 7), Chi cụcVSATTP lấy mẫu kiểm định thì khối lượng lớn cá trong 4 kho đã được bán ra gần hết.
Vậy tại sao khi lấy mẫu cá để phân tích không tiến hành niêm phong lại? Liệu khi có kết quả là mẫu cá có chất độc hại thì lượng cá trước đó đã được tiêu thụ hết hay không?
Ông Trần Xuân Dâng cho biết: “Về nguyên tắc là phải niêm phong, nhưng không đủ kho để chứa và cũng không có kinh phí để thu gom toàn bộ số cá trên”.
Nói về nguy cơ nhiễm độc từ ăn các loại cá này, ông Phan Văn Hùng khẳng định: “Tôi nghĩ mỗi ngày mỗi người ăn vài lượng cá có nhiễm chất cademi thì không gây độc hại. Chỉ khi mỗi người ăn 8 - 9 lượng cá có nhiễm cadimi thì mới gây độc hại"
"Số lượng hiện tại niêm phong là 8 tấn. Hiện đang chờ quyết định của UBND tỉnh để tiêu hủy và đền bù thiệt hại cho các chủ kho đông lạnh có cá nhiễm độc" - ông Hùng nói.
Các loại cá xác định có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng bao gồm cá gai xồ, cá gai nhỏ, cá xước tre, cá mím, cá hồng, cá mu.
Thiện Lương