Phần mềm giám sát trực tuyến xây dựng nông thôn ở tỉnh Hà Tĩnh có giao diện đơn giản, 100% bằng tiếng Việt, thân thiện với người sử dụng, được lập trình tương thích với hệ thống công nghệ thông tin, cho phép sao lưu dữ liệu theo chu kỳ định trước, dễ dàng khôi phục khi xảy ra sự cố.

Để sử dụng phần mềm giám sát, mỗi cá nhân vào đường link: https://gstt.kyc.net.vn để tiến hành đăng ký tạo tài khoản, đăng nhập. Sau khi có tài khoản và đăng nhập, hệ thống sẽ có những cửa sổ giao diện cụ thể để các đối tượng là cán bộ quản lý và người dân tại mỗi khu dân cư thực hiện các thao tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình phụ trách hoặc sinh sống.

{keywords}
(Nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Việc triển khai phần mềm là bước quan trọng góp phần nâng cao hiệu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên toàn tỉnh, hướng đến xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới trong thời gian tới.

Mới đây Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo trực tuyến hướng dẫn sử dụng phần mềm cho đại diện một số sở, ban, ngành cùng hơn 1.000 đại biểu tại các điểm cầu ở 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

{keywords}
(Nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, 13/13 đơn vị cấp huyện của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm; có ít nhất trên 200 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, trên 5% số sản phẩm đạt 5 sao.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%. Tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; trên 80% số hộ gia đình có nước thải sinh hoạt được xử lý bằng các biện pháp phù hợp,…

Tính đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 171/182 xã (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 747 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu đạt chuẩn; 8/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả quan trọng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; các tiến bộ khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

D. An