Kết thúc chuỗi hoạt động sổi nổi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV với thành tích Giải nhất thuộc về đội thi Hà Tĩnh.
Để làm được điều đó, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công hội thi cấp tỉnh, với sự góp mặt của nhiều đội thi và hàng chục hòa giải viên tiêu biểu đại diện cho gần 2.000 hòa giải viên đến từ các địa phương. Sau những cuộc tranh tài sôi nổi, Ban Tổ chức đã lựa chọn, đánh giá và trao giải nhất chung cuộc cho đội thi huyện Kỳ Anh.
Có thể thấy, việc thực hiện linh hoạt công tác phổ biến, giáo dục pháp bằng hình thức sân khấu hóa qua tổ chức các hội thi ngày càng phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Cũng chính vì thế, năm 2023, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã lựa chọn và triển khai rộng khắp các loại hình phổ biến, giáo dục pháp này.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tổ chức phiên tòa giả định trong các trường học. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động, thu hút sự quan tâm theo dõi của giáo viên cũng như học sinh. Các vụ việc được tái hiện trong phiên tòa giả định vừa có tác dụng răn đe, vừa giúp người tham dự hiểu thêm các quy định pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là đối với các em học sinh.
Nguyễn Như Anh, học sinh lớp 10A4 Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh chia sẻ, “Lần đầu tiên tham dự phiên tòa giả định tuyên truyền về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng do nhà trường tổ chức, em hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về việc phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Tình huống được các bạn và anh chị lớp trên diễn chân thật, các kiến thức về pháp luật tại phiên tòa rất dễ hiểu”.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền pháp luật còn được các địa phương triển khai bằng các cuộc thi trực tuyến phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trong đó, nổi bật như tìm hiểu pháp luật giao thông đường bộ (thị xã Hồng Lĩnh); cải cách hành chính và chuyển đổi số (TP Hà Tĩnh); tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường và tác hại thuốc lá (huyện Kỳ Anh).
Nhiều đơn vị cấp tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến như Sở Công Thương tổ chức thi tìm hiểu cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chuyển đổi số lĩnh vực công thương; Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số...
Gần đây, Sở Tư pháp phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, thu hút 102.807 người tham gia thi với 172.638 lượt thi.
Bà Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hương Khê đánh giá: “Cuộc thi chính là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, từ đó tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình. Với lượt dự thi tăng nhanh cho thấy cuộc thi đã thực sự lan tỏa sâu rộng”.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các hình thức tuyên truyền pháp luật truyền thống như: hội nghị tập huấn, cấp phát tài liệu, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội, lồng ghép trong sinh hoạt thôn xóm, đoàn thể cũng được các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện và phát huy hiệu quả.
Năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hơn 5.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp; cấp phát 400.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền.
Ông Lê Viết Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cho hay, với vai trò cơ quan thường trực, chúng tôi đã tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp tỉnh thực hiện tốt Đề án thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá phổ biến, giáo dục pháp luật; ban hành kế hoạch hoạt động tuyên truyền; ký kết chương trình phối hợp với 9 cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả.
Chính việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp đã tạo sự chuyển biến tích cực về hiểu biết và ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật của người dân Hà Tĩnh. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội , giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền đến mọi người dân.
Nguyễn Đình Đoàn Bổng, Trần Bích Hạnh, Lê Anh Dũng