Leflair.vn, trang chuyên bán hàng thời trang cao cấp giảm giá, đã có hơn một năm hoạt động tại Việt Nam. Loic Gautier và Pierre-Antoine, hai người Pháp chưa đến 30 tuổi, thành lập Leflair với tham vọng phục vụ thị trường Việt Nam trước, sau đó vươn ra tầm khu vực. Cả hai đã gọi được tổng cộng 1,7 triệu USD từ các quỹ khác nhau để phát triển công ty khởi nghiệp của họ.

Sau hơn một năm hoạt động và phát triển tại Việt Nam, ông Loic Gautier - CEO Leflair - trả lời ICTnews cho biết công ty đã đạt được những con số đáng ghi nhận.

“Chúng tôi bắt đầu với một team nhỏ dưới 10 người, làm việc hàng ngày ở quán cafe và cho đến ngày hôm nay văn phòng Leflair đã có hơn 80 nhân viên, với một kho hàng riêng và 4 studio chuyên dụng để chụp ảnh sản phẩm. Kết quả về doanh thu tăng đều đặn 20% mỗi tháng và hiện nay Leflair đã và đang làm việc với 800 thương hiệu cao cấp trong nước và quốc tế”, ông Loic nói.

Nhắc lại thời điểm thành lập Leflair, ông Loic cho biết ông và Pierre-Antoine bắt đầu ý tưởng về Leflair khi đang làm việc tại Lazada. Thị trường bán hàng cao cấp online ở Việt Nam quá tiềm năng khi người Việt, theo một khảo sát, nằm trong top 3 nước (sau Trung Quốc, Ấn Độ) rất yêu thích hàng hiệu.

Tuy nhiên, đa phần các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ chủ yếu chú trọng phân khúc phổ thông, mà lại quên đi mất về tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng, có khả năng chi tiêu và có nhu cầu sử dụng hàng hiệu để khẳng định lối sống mới của mình.

“Leflair sẽ mang những thương hiệu quốc tế đáng mong ước nhất đến với người tiêu dùng Việt Nam. Sứ mệnh đó cho đến ngày hôm nay vẫn không thay đổi”, người từng giữ vị trí cao tại Lazada Việt Nam khẳng định.

Việc một startup huy động được gần 40 tỷ đồng để khởi nghiệp tại Việt Nam không phải dễ, tuy nhiên nếu nhìn vào thị trường thường mai điện tử lắm ông lớn đã phải đóng cửa và số tiền hiện nay các công ty lớn đang “đốt" vào nhưng chưa thấy lợi nhuận thì có thể thấy con số 1,7 triệu USD chưa phải là lớn. Vậy Leflair dùng tiền của mình thế nào, có kế hoahc5 huy động vốn ra sao?

“Theo tôi, một trong những lý do rất nhiều trang TMĐT ở Việt Nam phải đóng cửa là tất cả mọi người chỉ tập trung cạnh tranh lẫn nhau và bán cùng những loại mặt hàng. Khi sản phẩm của bạn không có sự khác biệt, bạn chỉ có thể cạnh tranh về giá, và cuối cùng thì công ty nào có nhiều vốn nhất để trụ vững sẽ chiến thắng”, CEO 27 tuổi của Leflair giải thích.

Loic cho rằng ông không tin vào sự cạnh tranh “không cần lợi nhuận" mà vẫn có thể tồn tại. Do đó hai ông tách ra khỏi “cuộc chiến" ấy: bán những loại sản phẩm và thương hiệu khác biệt, tập trung vào một nhóm khách hàng cao cấp không quá tập trung vào giá rẻ, làm việc với những đối tác hiểu được giá trị của thương hiệu và muốn làm ăn lâu dài thay vì chỉ tập trung vào những lợi nhuận ngắn hạn trước mắt.

Leflair chuyên bán hàng thời trang giảm giá với những thương hiệu cao cấp như Levi's, Adidas, Nike, Tommy Hilfiger, Geox, Lancôme,... và rất nhiều thương hiệu khác. Các mặt hàng hầu hết được giảm giá bán so với giá niêm yết có khi lên đến 50%. Hàng cũng bán theo đợt (flash sale), qua đợt thì lô hàng sẽ không bán nữa.

“Một trong những lợi thế của Leflair khi bán những sản phẩm cao cấp đó chính là các thương hiệu đó đã làm tiếp thị sẵn cho bạn rồi. Bạn không cần phải giải thích quá nhiều cho một cô gái lý do vì sao cô ấy cần phải mua một chiếc túi Michael Kors, nhất là khi nó lại đang giảm giá 50%”, Loic nói.

“Mặt khác, chúng tôi chú trọng đầu tư vào chất lượng hình ảnh và chăm sóc khách hàng, đảm bảo rằng trải nghiệm mua sắm premium brands ở Leflair thật sự khác biệt so với những trang thương mại điện tử khác trên thị trường”, ông nói tiếp.

Tiếp tục khẳng định việc bán hàng cao cấp (gồm thời trang và các mặt hàng khác) tại Việt Nam là đường hướng đúng đắn, CEO Leflair chỉ ra 3 lý do để theo đuổi mục tiêu này:

Thứ nhất, Việt Nam đang là một trong những nước phát triển nhanh nhất trong khu vực và đang trong bước chuyển mình từ nước có thu nhập thấp (low-income) sang nhóm nước có thu nhập trung bình (middle-income).

Cùng với đó, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh và cho đến năm 2020, ước tính sẽ đạt mốc 33 triệu người. Những người này có nhu cầu mua sắm để thể hiện và khẳng định vị trí mới của mình trong xã hội, họ có nhu cầu được mua sắm các thương hiệu mà những người dân ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể mua được.

Ngoài ra, sự thiếu thốn về các hệ thống phân phối bán lẻ offline, đặc biệt là ở các thành phố loại 2, loại 3 khiến cho hình thức mua hàng trên mạng phát huy được hết thế mạnh của mình.

Leflair ra đời từ năm 2016, nhận được vốn rót từ các quỹ như 500 Startups, A.M.E. Ventures, AppleTree Group, Caldera Pacific, và các cá nhân khác. Trước Leflair, một trang hoạt động tương tự tại Việt Nam là Top Mốt, được thành lập bởi cựu giám đốc điều hành Zalora Việt Nam, tuy nhiên trang này đã đóng cửa từ cuối tháng 5/2017.